>>Biết thắng và quyết thắng!

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I Mai Hữu Tín chia sẻ về Tâm – Tầm và Thế của doanh nhân trẻ Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước thời đại mới.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I Mai Hữu Tín. Ảnh: Kim Yến

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I Mai Hữu Tín. Ảnh: Kim Yến

Theo doanh nhân Mai Hữu Tín, người làm kinh doanh phải xác định mục tiêu trước khi bàn tới cách làm, phải tạo được giá trị không chỉ riêng cho bản thân mà cho cả cộng đồng.

“Trở thành doanh nhân là để làm giàu cho chính bản thân cũng như đóng góp cho đất nước. Niềm vui của việc làm giàu là nhìn ra được bao nhiêu mảnh đời chúng ta có thể chạm đến và làm cho cuộc sống của họ tốt hơn mỗi ngày, không chỉ là các cổ đông hay gia đình cá nhân mà là cả những người lao động, các thành phần khác gắn bó với hệ sinh thái mà từng doanh nhân tạo ra”, doanh nhân Mai Hữu Tín nhấn mạnh.

Doanh nhân Mai Hữu Tín cho rằng, công nghệ có thể thay đổi rất nhiều thứ, cách làm chắc chắn sẽ thay đổi để phù hợp, nhưng điều có thể khẳng định là trong tương lai có thể nhìn thấy được vẫn chưa có gì có thể thay thế được người giỏi trong quản trị kinh doanh.

“Khi bạn muốn doanh nghiệp của bạn so bì được với một doanh nghiệp đối thủ từ một nước phát triển thì trước hết bạn phải so được bạn với người lãnh đạo của doanh nghiệp đó, có nghĩa là vấn đề trở thành Tầm của bạn tới đâu”, doanh nhân Mai Hữu Tín bày tỏ.

Có thể ở mốc xuất phát của cuộc đua, một doanh nhân trẻ chưa có đủ tầm cần có. Cách duy nhất giúp nâng được tầm của một doanh nhân lên là học. Học thật nhanh, học thật kiên trì, và học để không chỉ bằng mà phải vượt người khác. Chỉ khi đó bạn mới có cơ may cạnh tranh và tồn tại được.

Doanh nhân Mai Hữu Tín quan niệm, người giỏi không phải người học ở trường Top. Kiến thức nhà trường, ngay cả ở các trường tốt nhất vẫn chỉ mới tạo ra một cái nền cơ bản. Người giỏi của ngày hôm nay cần có thêm các năng lực quan trọng khác, bao gồm năng lực dấn thân làm chuyện khó, năng lực lãnh đạo, năng lực sáng tạo và năng lực học tập suốt đời.

Doanh nhân Mai Hữu Tín đặc biệt nhấn mạnh vào năng lực học tập suốt đời. Đây mới là năng lực chính tạo ra sự khác biệt giữa người này với người khác, giữa doanh nhân này với doanh nhân khác. Bao nhiêu “anh hùng” đã phải “dừng cuộc chơi” và “ngã ngựa” chỉ vì nghĩ rằng mình đủ giỏi.

>>Làm giàu, cống hiến và tự tôn dân tộc

>>Quản trị là bộ não, tâm thế là trái tim

>>Trách nhiệm xã hội nằm trong ý thức mỗi chúng ta

>>BRG không có khái niệm “gia đình trị”

“Sẽ không có ai đủ giỏi cả. Ngay khi bạn đã vươn lên đạt vị trí dẫn đầu thì vẫn có rất nhiều người khác âm thầm học tập để theo kịp và vượt qua bạn. Kinh doanh do vậy là một cuộc đua không có điểm dừng và chắc chắn không dành cho những người thiếu năng lực học tập suốt đời", vị doanh nhân đang điều hành 60 doanh nghiệp chiêm nghiệm.

Doanh nhân Mai Hữu Tín đánh giá, nếu có thể biến việc học tập suốt đời thành văn hóa chung của doanh nghiệp đang điều hành, thì doanh chủ cũng đồng thời tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình - một lợi thế rất khó chinh phục.

Doanh nhân Mai Hữu Tín kể chuyện về tổ chức doanh nhân khác mà ông đã tham gia 14 năm nay - YPO (Young Presidents’ Organization - Tổ chức Chủ tịch Trẻ), với khoảng 30.000 thành viên ở 142 quốc gia, nhưng đang quản lý hơn 10% GDP toàn cầu. Khẩu hiệu của tổ chức là "trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn qua trao đổi ý tưởng và học tập suốt đời".

"Hàng năm tôi đều đi học với họ. Tổ học tập của tôi với họ năm nay tại đại học Harvard có tổ trưởng là một tỉ phú Hy Lạp đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn chuẩn bị các bài học của mình nghiêm túc như mọi người khác. Chúng ta cần làm gì để cạnh tranh với các doanh nhân như vậy? Đó là bắt đầu bằng học", doanh nhân Mai Hữu Tín khẳng định.

Tất cả các tỉ phú, dù là người Việt Nam hay nước ngoài đều đã từng là các doanh nhân trẻ. Sau đó sẽ trưởng thành và làm được những điều to tát cho chính bản thân và cho đất nước.

“Nhưng hãy luôn tạo và giữ được trong lòng mình một động lực thật lớn, mà với tôi là dẫn dắt một doanh nghiệp đại diện cho tiếng nói của hơn 96 triệu người Việt chứ không nhất thiết phải là của riêng cá nhân hay gia đình mình. Hãy khai triển tối đa năng lực của mình không phải chỉ để giàu có cho cá nhân mình mà là mang lại sự giàu có cho người dân Việt Nam", doanh nhân Mai Hữu Tín nói. 

Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022.

Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua.