>>Phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An. Ảnh: Quốc Tuấn

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An. Ảnh: Quốc Tuấn

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhấn mạnh tại Lễ phát động chương trình bình xét Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, ngày 30/7.

Do đó, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An rất đồng tình với việc VCCI tiếp tục duy trì và phát động chương trình bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

Đây là việc làm nề nếp từ nhiều năm nay, đặc biệt sau sự gián đoạn của đại dịch Covid-19, VCCI tiếp tục phát động chương trình này để tôn vinh đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiêu biểu trong thực hiện sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Qua thời gian được phân công theo dõi, phối hợp cùng với VCCI, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhận thấy thời gian gần đây VCCI đã có những bước phát triển mới, hoạt động có tính sáng tạo và đổi mới.

Cụ thể, là việc phát động xây dựng một hệ tiêu chuẩn với 6 tiêu chuẩn về đạo đức Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là điều rất mới, và 6 tiêu chuẩn đạo đức này được áp dụng ngay vào việc bình xét Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Qua trao đổi, lấy ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, VCCI đã xác định và thống nhất rất cao quy trình, quy tắc trong việc bình xét đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiêu biểu với nguyên tắc khoa học, dân chủ, công khai, khách quan và minh bạch.

"Những việc làm của VCCI rất tường minh để bình xét ra được đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu với quy trình 5 bước nhằm tìm ra được doanh nhân tiêu biểu" - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nói. Quy trình này đã làm cho Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương liên tưởng đến việc Ban Tổ chức Trung ương cũng đang thực hiện chương trình lựa chọn công tác cán bộ theo quy trình 5 bước. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đi theo quy trình 5 bước. Mặc dù nội dung và cách thức khác nhau nhưng cũng nhằm lựa chọn các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu xuất sắc nhất trong đội ngũ xấp xỉ gần 1 triệu doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, ở đây có sự tương đồng, đó là doanh nghiệp, doanh nhân cùng với sự phát triển của đất nước, cùng với dân tộc đồng hành để xây dựng đất nước cường thịnh và phát triển.

“Đây là điều chúng tôi rất đồng thuận, đánh giá cao vai trò của VCCI và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An bày tỏ.

Vẫn theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, năm 2022 Bộ Chính trị giao cho Ban Kinh tế Trung ương do Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chỉ đạo, và tôi cùng Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công được phân làm thành viên của Ban Chỉ đạo để giúp tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị đánh giá tổng kết 11 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Cho đến thời điểm này, những quan điểm mà Nghị quyết số 09-NQ/TW nêu gắn với sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta hoàn toàn đúng đắn và đúng hướng.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An rất đồng tình với việc VCCI tiếp tục duy trì và phát động chương trình bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022. Ảnh: Quốc Tuấn

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An rất đồng tình với việc VCCI tiếp tục duy trì và phát động chương trình bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022. Ảnh: Quốc Tuấn

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân và xác định vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước không phải chỉ trong 5 hay 10 năm mà là cả một quá trình lâu dài để xây dựng một đất nước cường thịnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là, bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Đây là một quan điểm xuyên suốt và đi suốt trong quá trình xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Xác định rõ vai trò của doanh nghiệp như khẩu hiệu của VCCI “doanh nhân tài ba, quốc gia hưng thịnh” song hành cùng đất nước. Đây là quan điểm xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ từng bước đáp ứng số lượng, nâng cao chất lượng để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không những đóng góp vào sự xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước, mà còn có vai trò đích thực trong cộng đồng quốc tế và khu vực.

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ trong phạm vi đất nước mà từng bước xứng đáng với vai trò của mình, có sức cạnh tranh, ảnh hưởng trong khu vực và trên trường quốc tế.

Do đó, vấn đề xây dựng đội ngũ doanh nghiệp như tinh thần đại hội trước đề ra, đó là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, do “cú sốc” Covid-19 nên chưa đạt được. “Nhưng tôi tin tưởng với vai trò của VCCI thì mục tiêu này sẽ thành công”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An bày tỏ.

Thứ ba, trách nhiệm của Đảng và hệ thống chính trị trong việc xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Thời gian tới trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011, Ban Kinh tế Trung ương sẽ cùng với VCCI – là cơ quan thường trực làm tốt nghị quyết này.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết XIII của Đảng xác định, đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển. Tất cả những việc này được đặt niềm tin vào doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu không có đội ngũ này thì sẽ rất khó hoàn thành được sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao cho Đảng và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện.

Toàn cảnh Lễ phát động chương trình bình xét Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022. Ảnh: Quốc Tuấn

Toàn cảnh Lễ phát động chương trình bình xét Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022. Ảnh: Quốc Tuấn

Vẫn theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, trong các năm 2019, 2020, 2021 chưa bao giờ đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phải gặp hai cú sốc liên tục. Đó là, Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, và đối với Việt Nam cũng có giai đoạn đứt gãy cả chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, nguyên vật liệu. Bên cạnh đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế khu vực, kinh tế thế giới và đặc biệt đối với Việt Nam. Vì chúng ta là một quốc gia có nền kinh tế mở trên 200%. Cho nên, mọi tác động và biến động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng ngay đến nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng trong khó khăn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia trụ vững và có bước phát triển. Như trong năm 2022, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn kiềm chế được lạm phát, ổn định được nền kinh tế vĩ mô với dự báo tăng trưởng trên 6% năm 2022. 

Thứ tư, chúng tôi đồng tình với việc VCCI phát động chương trình này và mong muốn việc bình chọn theo quy trình 5 bước để xem xét, tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu sẽ góp phần thực hiện chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, trong đa số các doanh nghiệp rất tốt thì cũng có một vài doanh nghiệp, doanh nhân đã làm xấu đi hình ảnh đội ngũ chung của chúng ta. “Và chúng tôi mong rằng, với vai trò nòng cốt, lực lượng tiên phong là VCCI, khi thực hiện phát động lựa chọn các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu sẽ tạo nên một môi trường mới, cách thức mới, không khí mới để những cái tốt đẹp, tươi mới, tiên tiến của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ “lấn át” những mặt chưa được trong quá trình phát triển”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhấn mạnh.