Tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần một con tàu chưa rõ danh tính ở đá Ba Đầu - Ảnh: REUTERS

Tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần một con tàu chưa rõ danh tính ở đá Ba Đầu - Ảnh: REUTERS

Tuần duyên Philippines ngày 15/4 đã công bố hình ảnh tàu tuần tra áp sát các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng xuất hiện trong loạt ảnh.

Theo đó, trong các bức ảnh chụp ngày 13 và 14/4, tàu Philippines tiếp cận 7 tàu Trung Quốc đang neo đậu ở khu vực. Cảnh sát biển Philippines cho biết họ đi tuần tra khu vực này cùng 2 tàu nhỏ của cơ quan tài nguyên và thủy sản.

Ngay sau khi các hình ảnh này được công bố, Văn phòng Tổng thống Philippines ra tuyên bố khẳng định Tổng thống Rodrigo Duterte đang nỗ lực giải quyết vấn đề. Người phát ngôn của văn phòng này cho biết, nhà lãnh đạo Philippines đang xử lý vụ việc "một cách bí mật" và không nhất thiết phải cho công chúng biết.

Việc công bố hình ảnh diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Philippines gửi thêm một công hàm phản đối tới Trung Quốc.

Theo chính quyền Philippines, phần lớn tàu Trung Quốc đã rời khỏi đá Ba Đầu nhưng tỏa ra các thực thể khác gần đó. Trong các bức không ảnh ngày 11/4, Philippines đếm được có tới 136 tàu Trung Quốc tại đá Ga Ven, hơn 60 tàu tại đá Ken Nan và lác đác tại một số thực thể khác.

Theo lực lượng đặc trách Biển Tây Philippines (cách Manila gọi Biển Đông),  các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu, Ga Ven và một số thực thể khác là tàu dân quân biển ngụy trang tàu cá. Dân quân biển là công cụ được Bắc Kinh sử dụng để quấy rối, đe dọa ngư dân nước khác nhằm thúc đẩy yêu sách vô lý trên Biển Đông.

Xuồng cao su của tuần duyên Philippines áp sát các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu - Ảnh: REUTERS

Xuồng cao su của tuần duyên Philippines áp sát các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu - Ảnh: REUTERS

Trước đó, cơ quan chức năng Philippines cho biết hơn 200 tàu Trung Quốc lảng vảng neo đậu ở khu vực đá Ba Đầu. Tính đến cuối tháng 3, tại đây vẫn còn khoảng 40 tàu.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã đệ trình hai kháng thư, vài ngày sau khi triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên để gây sức ép yêu cầu Trung Quốc rút tàu thuyền ra khỏi khu vực Đá Ba Đầu, bãi đá ngầm tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Tháng trước, Philippines nói sự có mặt của hơn 200 tàu thuyền Trung Quốc, được cho là do dân quân điều khiển, bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm (322 km) của mình là “tràn ngập và đe dọa”, trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác lên tiếng lo ngại về ý đồ của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phản pháo.

Trong một bài đăng trên Twitter, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói: “Họ thực sự đang đánh bắt mọi thứ trong vùng biển mà theo luật thuộc về chúng tôi”.

Tàu hải cảnh Trung Quốc tại đá Ba Đầu. Cùng với dân quân biển, hải cảnh Trung Quốc là lực lượng được sử dụng làm công cụ đe dọa tàu bè nước khác trên Biển Đông - Ảnh: REUTERS

Tàu hải cảnh Trung Quốc tại đá Ba Đầu. Cùng với dân quân biển, hải cảnh Trung Quốc là lực lượng được sử dụng làm công cụ đe dọa tàu bè nước khác trên Biển Đông - Ảnh: REUTERS

Bình luận về vấn đề này trên Nghiên cứu Biển Đông, ThS. Đỗ Hoàng, nghiên cứu viên tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao nhận định, có thể mục tiêu của Trung Quốc là nhằm tạo lập sự hiện diện thường xuyên với số lượng lớn tại Đá Ba Đầu, biến sự hiện diện này thành việc “bình thường”, tiến dần tới việc chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn và có thể tiến hành xây dựng, cải tạo phi pháp đá này thành một cơ sở quân sự mới.

“Đây sẽ là chiến thuật cát lát salami mới của Trung Quốc để mở rộng kiểm soát Biển Đông trên thực tế. Nhiều khả năng chiến thuật này sẽ dùng một số lượng lớn tàu tập hợp ở một khu vực nhằm cản trở hoạt động của các nước, đồng thời, chính những tàu này có thể tản ra, bao vây, quấy rối hoặc cản trở hoạt động của các nước khác ở các cấu trúc khác”.  ThS. Đỗ Hoàng nhận định.

Phân tích trên Nghiên cứu Biển Đông, ThS. Đỗ Hoàng cho rằng, qua phân tích dữ liệu ảnh vệ tinh, giới quan sát nhận định, có ít nhất 3 lý do để tin rằng, việc tập kết hàng trăm tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu không phải nhằm mục đích tránh thời tiết xấu, và đây cũng không phải là tập quán bình thường lâu nay của các tàu cá Trung Quốc.

Thứ nhất, dữ liệu ảnh vệ tinh chụp Đá Ba Đầu từ năm 2016 tới nay cho thấy, việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu là hiện tượng chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ tháng 2/2020. Các năm trước đó, tàu cá Trung Quốc có neo đậu lác đác tại Đá Ba Đầu nhưng thường không quá 20 tàu, và các tàu chưa bao giờ gắn kết lại thành cấu trúc lớn như vừa qua.

Thứ hai, cũng theo dữ liệu ảnh vệ tinh, hiện tượng Trung Quốc tập kết tàu thuyền số lượng lớn, gắn kết thành các cấu trúc tại Đá Ba Đầu từ đầu năm 2020 đã kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Thời gian tập kết lâu như vậy rõ ràng không phải nhằm mục đích tránh thời tiết xấu. Hơn nữa, việc tập kết tàu bè số lượng lớn chỉ xảy ra ở điểm Đá Ba Đầu, trong khi xung quanh khu vực cụm đảo Sinh Tồn có rất nhiều cấu trúc tự nhiên, cũng phù hợp cho việc tàu bè neo đậu tránh thời tiết xấu, nhưng tại đó lại gần như không có tàu nào neo đậu, trú ẩn.

Thứ ba, khoảng tháng 3 và tháng 4 hàng năm là khoảng thời gian thời tiết ở khu vực Trường Sa lặng nhất trong năm.

“Dân gian Việt Nam có câu: “Tháng ba bà già đi biển”, thời gian này là mùa biển lặng, đến bà già cũng có thể đi biển, nên tàu bè đều chọn thời gian này để ra khơi đánh bắt. Việc Trung Quốc lấy lý do trú ẩn thời tiết xấu không những không đúng với dữ liệu hình ảnh vệ tinh thu được, mà còn trái với quy luật thiên nhiên tại khu vực”. - ThS. Đỗ Hoàng cho biết trong bài viết đăng tải tại Nghiên cứu Biển Đông

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo ngày 8/4 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đang theo dõi sát tình hình trên Biển Đông, trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa.

"Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi về tình hình tại đá Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines và nhiều nước khác gần đây liên tục lên tiếng phản đối việc hơn 200 tàu vỏ sắt Trung Quốc neo đậu trái phép tại bãi đá ngầm này mà không đánh bắt dù trời trong xanh và thời tiết thuận lợi.

Trong cuộc họp báo hai tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.