Nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Hoa Kỳ-Trung Quốc đã tiêm tế bào gốc của người - tế bào có khả năng phát triển thành nhiều mô cơ thể khác nhau - vào phôi khỉ. Các phôi đang phát triển được nghiên cứu trong tối đa 20 ngày.

Những cái gọi là phôi hỗn hợp khác loài, hay chimeras, đã được tạo ra trong quá khứ, với các tế bào người được cấy vào phôi cừu và lợn.

Nhóm các nhà khoa học nói trên do giáo sư Juan Carlos Izpisua Belmonte của Viện Salk ở Mỹ đứng đầu. Ông là người đã giúp tạo ra con lợn lai giữa người và lợn đầu tiên vào năm 2017. Ông nói, công trình này có thể mở đường giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các cơ quan có thể cấy ghép cũng như giúp hiểu thêm về sự phát triển sớm của con người, sự tiến triển của bệnh tật và quá trình lão hóa.

"Những phương pháp tiếp cận hỗn hợp khác loài này có thể thực sự rất hữu ích để thúc đẩy nghiên cứu y sinh học không chỉ ở giai đoạn sớm nhất, mà còn là giai đoạn mới nhất của sự sống".

Ông khẳng định rằng nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell đã đáp ứng các nguyên tắc đạo đức và luật pháp hiện hành. Ông nói: "Chúng tôi thực hiện những nghiên cứu này để hiểu và cải thiện sức khỏe con người".

'Thử thách đạo đức'

Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã đưa ra lo ngại về cuộc thử nghiệm, cho rằng trong khi các phôi bị phá hủy sau 20 ngày, những không có gì bảo đảm chắc chắn nó không được tiếp tục phát triển trong thời gian dài hơn. Họ đang kêu gọi tranh luận công khai về tác động của việc tạo ra những chimeras có phần người / phần không phải của con người.

Bình luận về nghiên cứu, Tiến sĩ Anna Smajdor, giảng viên và nhà nghiên cứu về đạo đức y sinh tại Trường Y Norwich thuộc Đại học East Anglia (Anh), cho biết nó đặt ra "những thách thức đáng kể về đạo đức và pháp lý".

Bà nói thêm: "Các nhà khoa học đứng sau nghiên cứu tuyên bố rằng những phôi này mang lại cơ hội mới, bởi vì 'chúng tôi không thể tiến hành một số loại thí nghiệm ở người'. Nhưng liệu những phôi này có phải là con người hay không thì vẫn còn là câu hỏi".

Giáo sư Julian Savulescu, giám đốc Trung tâm Đạo đức Thực hành Oxford Uehiro và đồng giám đốc Trung tâm Wellcome về Đạo đức và Nhân văn, Đại học Oxford (Anh), cho biết nghiên cứu "mở hộp Pandora [nguồn gây ra những rắc rối lớn và không lường trước] cho những chimera không phải của con người".

Ông nói thêm: "Những phôi thai này đã bị phá hủy sau 20 ngày phát triển nhưng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các chimeras không phải con người được phát triển thành công làm nguồn cung cấp nội tạng cho con người. Đó là một trong những mục tiêu dài hạn của việc này nghiên cứu".

Sarah Norcross, giám đốc của Tổ chức Tín thác Giáo dục Tiến bộ, nói rằng trong khi "những tiến bộ đáng kể" đang được thực hiện trong nghiên cứu phôi và tế bào gốc, có thể mang lại những lợi ích đáng kể như nhau, "rõ ràng cần có sự thảo luận và tranh luận công khai về đạo đức và thách thức về quản lý đặt ra ".