Các hoạt động đầu tư tài chính biến tướng núp bóng phương thức đa cấp, kinh doanh tiền ảo, forex, các app kiếm tiền online,... đang là vấn đề nhức nhối thời gian gần đây. Mỗi ngày, chúng ta vẫn nghe nhắc đến một mô hình hay hệ thống đầu tư tài chính phi pháp nào đó bị vỡ, như Bigbuy24h, Yokef, Garden BO, Coolcat, Shoping mall,... Các nạn nhân khi đi đòi lại tiền từ những người tự xưng là thủ lĩnh kêu gọi đầu tư, thì đều gặp đáp số chung là bặt vô âm tín.

Một điều khó trong việc quản lý các hoạt động đầu tư tài chính biến tướng do không gian mạng rất phức tạp, tính ẩn danh các chủ thể tham gia vào giao dịch dẫn đến việc điều tra truy xét khó khăn

Một điều khó trong việc quản lý các hoạt động đầu tư tài chính biến tướng do không gian mạng rất phức tạp, tính ẩn danh các chủ thể tham gia vào giao dịch dẫn đến việc điều tra truy xét khó khăn

Vì sao các mô hình kinh doanh đầu tư tài chính biến tướng này, vốn đã được cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn thu hút được nhiều nạn nhân sập bẫy? Quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề này như thế nào, có biện pháp ngăn chặn và xử lý hiệu quả hay không?

Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng, trước hết nhìn từ góc độ nhà đầu tư: Có nhiều người vì không hiểu biết, cùng với nỗi lo sợ bị bỏ lỡ cơ hội mà đã bỏ tiền ra để ôm những thứ chưa có giá trị, với mong muốn “đổi đời” trong tương lai. Đó là điều rất đáng lo ngại dù trên thực tế đã có rất nhiều cảnh báo rủi ro, lừa đảo. Nhưng dường như vô tác dụng khi có hàng trăm sàn giao dịch và các ứng dụng kiếm tiền online ra đời mỗi ngày với các lời quảng cáo kiếm tiền dễ dàng được rao tràn lan.

Đặc biệt thời gian gần đây, trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có những quy định pháp lý về việc mua bán, trao đổi tiền ảo, tiền kỹ thuật số, sự bùng nổ của thị trường tiền điện tử đã tác động vào tâm lý người dân rất mạnh mẽ. Những người tham gia vào các mô hình mua bán trao đổi tài sản ảo, cá cược, mua bán tỷ giá tăng giảm từ những tài sản này thường chỉ đến khi bị mất tiền, bị chiếm đoạt tài sản thì mới lên tiếng, cơ quan chức năng mới có thể vào cuộc.

Mặt khác, chuyên gia cho rằng, ở phía các đối tượng cố tình lôi kéo người dân, lại có hoạt động hết sức tinh vi và thường lợi dụng hình thức đa cấp, để thu hút một bộ phận các nhà đầu tư và người dân đầu tư dễ dàng hơn. Những hoạt động tham gia này cũng không có văn bản, chứng từ chứng minh để có thể kiện ra tòa.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước không cho phép người dân dùng tiền kĩ thuật số làm phương tiện thanh toán cho các hoạt động mua sắm, nhưng lại không cấm các hoạt động giao dịch, nên luật pháp cần phải có sự điều chỉnh ngay. “Chúng ta đã đợi sự điều chỉnh này từ mấy năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể như: Thứ nhất, định nghĩa đồng tiền k thuật số là gì, có thể được xem như một đồng tiền lưu thông hay là một loại tài sản. Thứ hai, dù được định nghĩa là tiền hay tài sản thì đều cần quy định về phạm vi sử dụng, giao dịch đến đâu. Các quy định này không chỉ cần thiết trong bối cảnh hiện tại mà còn phải chặt chẽ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị.

Một nhà đầu tư từng gửi đơn thư tố cáo các sàn giao dịch tiền ảo bất hợp pháp sau khi "sập bẫy", chia sẻ với DĐDN: “Thực ra bản thân tôi cũng biết những hoạt động này đều được cảnh báo rủi ro, không được pháp luật bảo hộ, nhưng vì lòng tham nổi lên mà bất chấp. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ để trấn áp các nhóm đối tượng này. Dù không lấy lại được tiền cho người đã tham gia, nhưng ít nhiều sẽ có tính răn đe và giảm bớt các đối tượng lừa đảo, giúp hạn chế các nạn nhân sập bẫy về sau. Đây là điều mà người dân thực sự mong chờ”.

Ở phía nhà quản lý, cũng phải thấy rằng do hoạt động không gian mạng rất phức tạp, tính ẩn danh các chủ thể tham gia vào giao dịch, dẫn đến việc điều tra truy xét trở nên khó khăn. Theo các chuyên gia, những cuộc điều tra, trấn áp, phá án hàng loạt các sàn giao dịch tiền ảo vừa được đưa ra ánh sáng mới đây, đang cho thấy quyết tâm của các nhà quản lý thị trường. 

Mới đây, Bộ Tài chính cũng cho biết đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ có liên quan đến lĩnh vực này.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính, đơn vị được giao chủ trì Tổ nghiên cứu cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ về “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam”. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo trong chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.