Không phải câu chuyện mới, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sản xuất, mua bán trao đổi vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phòng, chống dịch trở nên cấp thiết, khả năng phát sinh tiêu cực, tham nhũng, trục lợi cũng không được loại trừ, nhất là khi đã không ít bài học nhãn tiền đã từng xảy ra.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính một lần nữa đặc biệt lưu ý: Cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư... trong phòng, chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, hành vi tham nhũng, trục lợi từ dịch bệnh được cho vẫn tiềm ẩn - Ảnh minh họa

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, hành vi tham nhũng, trục lợi từ dịch bệnh như trường hợp của đối tượng Trương Mạnh Thảo, cán bộ phường 2, quận 6, TP. Hồ Chí Minh được cho vẫn tiềm ẩn - Ảnh minh họa

Thực tế, dù chưa phải là những vụ việc lớn khiến dư luận xã hội dậy sóng như vụ thông đồng, “thổi giá” hệ thống máy xét nghiệm tự động Realtime PCR cao gấp nhiều lần giá trị thực tế của các đối tượng đứng đầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) năm 2020. Thế nhưng, từ chính sách tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn dân, cũng đã xuất hiện không ít đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm, đi ngược Chủ trương, chính sách để trục lợi cho bản thân.

Như ngày 7/9 vừa qua, Công an quận 6 - TP. Hồ Chí Minh đã thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam với đối tượng Trương Mạnh Thảo (SN 1984), trú ở quận 6, cán bộ UBND phường 2, quận 6 để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 - Bộ luật hình sự.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, lợi dụng nhu cầu tiêm vaccine của người dân, đối tượng Thảo đã móc nối, làm hồ sơ và tổ chức cho gần 20 trường hợp không cư trú trên địa bàn phường 2 đến tiêm vaccine để thu lợi bất chính.

Hay như ngay tại Hà Nội, tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng đã có quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với bà Nông Thị Cơ (SN 1993), hiện đang là công chức văn phòng - thống kê, UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình để xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định vì có dấu hiệu nhận tiền “bồi dưỡng” để sắp xếp lịch tiêm vaccine COVID-19 “thần tốc”.

Từ những thực tế đã nêu, có thể thấy, dù đã có những quy định vô cùng chặt chẽ từ các cơ quan quản lý trong thời gian qua, thế nhưng, các hành vi tiêu cực, trục lợi vẫn diễn ra, một lần nữa dư luận tiếp tục không khỏi không đặt dấu hỏi về đạo đức của một bộ phận người được giao trọng trách thi hành công vụ.

Vụ

Vụ "thổi giá" thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 xảy ra tại CDC Hà Nội được cho là một trong những bài học nhãn tiền - Ảnh minh họa

Trở lại vụ việc “thổi giá” thiết bị phòng chống dịch xảy ra tại CDC Hà Nội, ngày 02/6/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - nguyên Giám đốc CDC Hà Nội và 5 đồng phạm; tuyên y án phạt 10 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, các bị cáo khác lĩnh án từ 5 năm tù đến 6 năm 6 tháng tù về tội danh “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các chuyên gia cho rằng, phán quyết từ vụ việc này không chỉ tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực cho cộng đồng, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cá nhân, doanh nghiệp có ý định cấu kết thu lời bất chính trên nỗi đau của người bệnh, và từ đó cũng có thể thấy, đối với tham nhũng, trục lợi việc xử lý không có vùng cấm. Vậy, vì đâu sai phạm vẫn tiềm ẩn?

Cũng theo các chuyên gia, ngoài kẽ hở trong quy định của pháp luật, thì hành vi vi phạm cũng xuất phát từ đạo đức thi hành công vụ của một số cán bộ xuống cấp. Sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp vừa qua là kịp thời để chúng ta ngăn chặn, cảnh báo, nâng cao cảnh giác đối với các loại tội phạm, đặc biệt là giai đoạn hiện nay khi cả nước đang ra sức phòng, chống dịch COVID-19.

“Sai phạm sẽ hạn chế rất nhiều nếu những người trong cuộc nâng cao đạo đức, thực sự vì nhân dân phục vụ, thế nên, quy định dù có chặt chẽ đến đâu mà đạo đức xuống cấp thì hành vi sai phạm có thể vẫn diễn ra”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Để tránh những hệ lụy tiềm ẩn của các hành vi tham nhũng, trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mới đây, Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ cũng đề nghị kiểm toán năm 2022 làm rõ việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19.

“Mục đích sử dụng và hiệu quả thế nào? Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí, cái này có thể phải trường kỳ kháng chiến chứ không phải ngày một, ngày hai. Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vaccine nhiều”, Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ phân tích.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trong năm 2022, Kiểm toán cũng cần đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không?