Việt Nam đã từng ghi nhận sự hiện diện hay được gọi là “áp đảo” của nhà đầu tư Thái Lan trong ngành nhựa, bán lẻ và thực phẩm, đồ uống… thông qua hoạt động M&A. Sự hiện diện của những “ông lớn” Thái Lan tại Việt Nam ngày một mạnh mẽ khi tỷ lệ nới room cho nhà đầu tư ngoại ở một số lĩnh vực, ngành lên tới 100%.

Nhiều lĩnh vực mới được nhà đầu tư Thái Lan quan tâm tại thị trường Việt Nam.

Nhiều lĩnh vực mới được nhà đầu tư Thái Lan quan tâm tại thị trường Việt Nam. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).

Những câu chuyện như có được quyền điều hành tại Sabeco, hay nhựa Bình Minh của các nhà đầu tư Thái đã trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên, quyết định “rót” tới số vốn trị giá 200 triệu USD vào nhà máy chế biến biến gà xuất khẩu cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P.Việt Nam tại  Khu công nghiệp Becamex, tỉnh Bình Phước, không khỏi khiến thị trường đầu tư nông nghiệp bất ngờ. Bởi, lĩnh vực nông nghiệp xưa nay vẫn ghi nhận những dự án nhỏ giọt, mà đầu tư vào chế biến sản xuất lại càng ít hơn.

Theo chia sẻ của ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam thì đây là dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín đầu tiên của Việt Nam. Dự án này sẽ góp phần thực hiện chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn của quốc tế.

Bên cạnh việc hiện diện trong những lĩnh vực truyền thống như vừa kể trên, điều đáng nói, các nhà đầu tư Thái đã nhạy bén đón đầu ở một số lĩnh vực, ngành kinh doanh khác, trong đó phải kể đến việc Central Group đang thử nghiệm triển khai chuỗi làm đẹp và nội thất nhằm đón đầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Chia sẻ “tham vọng” về việc đầu tư vào lĩnh vực mới này, CEO Central Group Vietnam Philippe Broianigo cho biết: “Mặc dù, chúng tôi đã hiện diện rất vững chắc trong mảng thực phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi cần chuẩn bị cho tương lai, khi người tiêu dùng có những nhu cầu khác ngoài thực phẩm”.

Được biết, năm 2017, Central Group ghi nhận mức tăng trưởng mở mức 2 con số, tương đương với doanh thu từ thị trường Việt Nam lên đến 1,3 tỉ USD.

Bên cạnh Central Group, một ông lớn khác của Thái Lan cũng đã “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản như tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi người đứng đầu Công ty Frasers Property. Được biết, bên cạnh việc thâu tóm một số dự án nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp này còn khởi công dự án căn hộ cao cấp Quận 2 Thảo Điền.

 Để các nhà đầu tư mạnh dạn đưa ra những bước đi mới trong chiến lược kinh doanh của mình, yếu tố khiến các nhà đầu tư quyết định đó là nhiều tiềm năng của thị trường Việt Nam hơn rất nhiều so với thị trường Thái Lan.

Ví dụ như, quy mô tầng lớp trung lưu của Việt Nam mới chỉ chiếm 13%. Tuy nhiên, dự kiến tầng lớp này sẽ tăng lên 36% vào năm 2026. Quy mô dân số cũng sẽ tăng lên 120 triệu vào năm 2050. Trong khi đó, thị trường Thái Lan đang bước vào giai đoạn già hóa dân số và tầng lớp trung lưu đã chiếm đến 35% trong tổng 68 triệu người.

Được biết, trước đây, các nhà đầu tư Thái Lan đã không ngần ngại từng chia sẻ rằng họ muốn thay thế hàng Trung Quốc và hàng chất lượng thấp tại Việt Nam. Có lẽ đây cũng chính là động lực khiến các nhà đầu tư Thái mạnh dạn hướng đến đón đầu những lĩnh vực mới.

Tuy nhiên, có một điều cần phải lưu ý rằng, nếu mọi lĩnh vực thị trường Việt Nam có tiềm năng để phát triển tuy nhiên doanh nghiệp ngoại lại chiếm ưu thế… bài học nhãn tiền như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng lưu ý đó là khi chiếm tỉ lệ áp đảo, nhà đầu tư Thái sẽ giữ quyền quyết định và dẫn đến những hệ lụy chưa thể lường trước được nhưng chắc chắn rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Kịch bản có thể dễ nhận thấy nhất là khi đã giữ quyền chi phối, doanh nghiệp Thái sẽ kiểm soát khu vực phân phối, đưa hàng Thái vào thay thế hàng Việt.