>> Tránh “tiền mất, tật mang” khi M&A dự án

Khối nội, ngoại tích cực cuộc đua

Trong một chia sẻ mới đây, ông Angus Liew, Tổng giám đốc Công ty Gamuda Land – ông lớn địa ốc đến từ Malaysia cho biết, trong năm 2021 doanh nghiệp này thông qua M&A để tìm kiếm các cơ hội mua lại nhiều dự án tại Việt Nam. 

Khối nội, khối ngoại đang đặt mục tiêu tích cực trong hoạt động M&A năm 2022

Theo ông Angus Liew, môi trường M&A tại Việt Nam đang đầy hào hứng, bên cạnh đó tăng trưởng kinh tế tích cực sẽ khiến hoạt động tại M&A Việt Nam có tính cạnh tranh cao và sẽ bùng nổ trong năm 2022.

Tổng giám đốc Công ty Gamuda Land cũng cho biết, Việt Nam đang có thay đổi về hành lang pháp lý khiến việc tái định cư, đền bù khó khăn hơn. Với các chủ đầu tư nước ngoài, tiêu chí luôn phải là đất sạch nên đây là thách thức lớn nhất. Nhưng với các thương vụ M&A, các khó khăn này đang được giảm nhẹ.

Đáng chú ý, đại diện Gamuda Land cũng tiết lộ các doanh nghiệp ngoại đều xác định đây là thị trường trọng điểm đầu tư, là thời điểm để nắm bắt cơ hội lớn.

Trong khi đó, ông Trương An Dương, Giám đốc khối Bất động sản nhà ở công ty Fraser Property Vietnam – một doanh nghiệp đa quốc gia cũng chia sẻ mục tiêu M&A quỹ đất bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong năm tới.

Ông Dương cho biết, hướng phát triển các năm tới đây của doanh nghiệp sẽ là bất động sản khu công nghiệp, song để chốt các thương vụ chuyển nhượng bất động sản thời điểm này là cực kỳ khó khăn, không chỉ do giá đất ở khu công nghiệp tăng nhanh mà thủ tục phức tạp và quỹ đất đẹp khó kiếm, do đó M&A được xem là phương thức hữu hiệu.

Trong khi đó, ở khối nội, "ông lớn" Bất động sản An Gia – một trong những đơn vị rất tích cực trong M&A quỹ đất trong các năm qua cũng cho biết tiếp tục trung thành với chiến lược M&A và tham vọng M&A thành công 5 dự án mỗi năm.

Trên cương vị nghiên cứu tư vấn, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cũng cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến không ít doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở và đành phải bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn.

Trong khi đó, có những tập đoàn bất động sản trong nước đang có được đà phát triển rất tốt. Với uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả, họ đang rất "khát" đất cũng như các dự án dang dở để có thể nhanh chóng tiến hành các dự án mới hoặc tiếp tục các dự án chưa hoàn thành.

Vị chuyên gia đưa ra dự báo các doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế. Theo đó thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sôi động với nhiều thương vụ M&A.

Chỉ dành cho các ông lớn

Đồng quan điểm nhiều chuyên gia cũng cho rằng sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường M&A bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vaccine ngừa và thuốc điều trị COVID -19. Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A được dự báo sẽ bùng nổ.

Hoạt động M&A chỉ tập trung ở các ông lớn với dòng vốn mạnh

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, dù nhiều thương vụ M&A còn đang trong giai đoạn đàm phán và rà soát pháp lý, nhưng đây vẫn được xem là yếu tố tích cực đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết hoạt động M&A có thể không ồ ạt như năm 2021 vừa qua mà chỉ tập trung ở các ông lớn với dòng vốn mạnh. Nguyên nhân chính do mối quan hệ “cộng sinh” giữa ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đã bị siết chặt.

Từ năm 2022, ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích phát hành để mua bán sáp nhập doanh nghiệp gây đứt gãy dòng tiền, buộc doanh nghiệp không có nguồn vốn mạnh không thể “tay không bắt giặc” như năm vừa qua.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, dòng vốn M&A trên thị trường sắp tới có thể sẽ chuyển sang xu hướng chủ đạo là IPO.

Ở góc nhìn thận trọng, bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc Cấp cao JLL Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp nội có thể coi M&A như giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.

Song vị chuyên gia cho biết, không nên xem M&A chỉ là một “game thu gom tài sản”, mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết. Chỉ khi tham gia được vào chuỗi giá trị thì doanh nghiệp Việt mới gia tăng được sức mạnh và trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu.