>>>Màn hình OLED: “Chiến địa mới” của Samsung và LG

LG Display "chơi lớn"

LG Display mới đây cho biết họ đang huy động 1 tỷ USD tài trợ mới từ các ngân hàng toàn cầu để mở rộng dây chuyền màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ (OLED) và xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà máy tại Việt Nam.

Nhà máy của LG Display tại Hải Phòng, Việt Nam.

Nhà máy của LG Display tại Hải Phòng, Việt Nam.

Theo tiết lộ từ LG Display, nguồn vốn mới sẽ đến từ Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ), HSBC, Ngân hàng Citi và Ngân hàng Caixa của Tây Ban Nha với sự bảo lãnh từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank) và Tập đoàn Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cũng sẽ cung cấp các khoản vay trực tiếp cho LG Display.

Theo người phát ngôn của LG Display cho biết, sự không chắc chắn về hiệu suất tăng trưởng cộng thêm cuộc khủng hoảng Ukraine là những động lực khiến LG và các tổ chức tài chính toàn cầu đã tham gia vào kế hoạch này. Bên cạnh đó, tiềm năng của LG Display trong lĩnh vực màn hình OLED cũng là một nguyên nhân khiến họ đẩy mạnh vốn đầu tư.

Hiện tại, nhà máy của LG Display đang được đặt tại Hải Phòng. Họ vào Việt Nam từ năm 2016 với một dự án có vốn đầu tư ban đầu lên đến 1,5 tỷ USD, là dự án đầu tư FDI lớn nhất tại Hải Phòng thời điểm đó.

Dự án chuyên sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED ti vi, màn hình LCD,... Những năm sau đó, Tập đoàn LG liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của dự án. Cho đến cuối năm ngoái, LG Display đã nâng tổng vốn đầu tư lên 4,65 tỷ USD.

Giờ đây, nhà sản xuất màn hình hàng đầu của Hàn Quốc cho biết họ sẽ sử dụng số vốn này để tăng cường sức mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực màn hình OLED nhỏ hơn.

>>>Samsung và LG: Khi đối thủ thành đối tác

>>>LG Display Việt Nam “rót” thêm 1,4 tỷ USD vào Hải Phòng

Tại sao lại là màn hình OLED?

Theo một ước tính của công ty tư vấn chuỗi cung ứng màn hình (DSCC) đang theo dõi thị trường cho biết, LG Display hiện có năng lực sản xuất 8 triệu tấm kính OLED hàng năm cho TV và là nhà cung cấp tấm nền OLED lớn nhất trên thế giới.

Samsung đang tiến quân vào thị trường màn hình OLED được thống trị bởi LG.

Samsung đang tiến quân vào thị trường màn hình OLED được thống trị bởi LG.

Nhưng trên thực tế, LG chủ yếu tập trung vào các tấm nền lớn hơn dành cho TV, trong khi Samsung tập trung vào các màn hình nhỏ hơn cho điện thoại và các thiết bị thông minh khác. Mặc dù gần đây, LG cũng đang tăng cường sản xuất các tấm nền OLED nhỏ hơn để tấn công vào lĩnh vực mà Samsung hiện chiếm đến 73% thị phần.

Năm 2020, LG Display bắt đầu xuất xưởng toàn bộ tấm nền OLED cho iPhone và vào tháng 8 năm 2021, họ đã công bố khoản đầu tư 3,3 nghìn tỷ won (khoảng 2,8 tỷ USD) để mở rộng trung tâm OLED chính của mình ở Paju, Hàn Quốc. Có vẻ như LG đã không thể ngồi yên khi nhìn động lực tăng trưởng gần đây của mình đang bị giảm sút.

Nhìn chung, hiện tại các nhà sản xuất màn hình OLED của Hàn Quốc vẫn đang dẫn đầu thị trường toàn cầu, nhưng trong công nghệ, cả hai “gã khổng lồ” của Hàn Quốc đang ngày càng trở nên đáng lo bởi các đối thủ Trung Quốc.

Cả LG lẫn Samsung đều đang lo ngại việc họ có thể đánh mất lợi thế cạnh tranh trong công nghệ OLED, điều đã từng xảy ra với màn hình tinh thể lỏng (LCD), nơi mà hiện tại các công ty Trung Quốc đang chiếm gần 60% thị phần toàn cầu.

Sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty của Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất màn hình của Hàn Quốc buộc phải rút khỏi thị trường màn hình LCD, do lợi nhuận bị sụt giảm khi các công ty Trung Quốc cung cấp tấm nền với giá thấp hơn. Samsung đã kết thúc sản xuất màn hình LCD vào giữa năm 2022, trong khi LG cũng công bố kế hoạch ngừng sản xuất tấm nền LCD cho TV tại Hàn Quốc.

Trong khi LG cũng đang đẩy mạnh sản xuất màn hình iPhone.

Trong khi LG cũng đang đẩy mạnh sản xuất màn hình OLED cho iPhone.

Và OLED được coi là màn hình thế hệ tiếp theo, vì tấm nền mỏng hơn, nhẹ hơn và hiển thị chất lượng hình ảnh tốt hơn so với tấm nền LCD. Nhưng, ngay cả trong công nghệ OLED, các nhà nghiên cứu thị trường đang dự báo rằng các công ty Trung Quốc sẽ nhanh chóng mở rộng thị phần của họ đối với màn hình cỡ vừa và nhỏ được tích hợp trong điện thoại thông minh.

BOE, TCL và một số công ty khác đã càn quét thị trường LCD, lấn át cả Hàn Quốc, vượt qua Nhật Bản, đang được dự báo là sẽ tiếp tục cải thiện thị phần trong lĩnh vực màn hình thế hệ tiếp theo, OLED. Các nhà sản xuất của Trung Quốc đang biến màn hình thành một mặt hàng giá rẻ như … bèo, với công nghệ cao cấp đến mức mắt người khó có thể nhận ra sự khác biệt về chất lượng.

Cũng theo dự báo từ DSCC, trong thời gian tới, thị phần của các nhà sản xuất Trung Quốc trên thị trường tấm nền OLED dành cho điện thoại thông minh có thể sẽ tăng từ 15% lên 27% vào năm 2022. Và tất nhiên, thị phần của các tập đoàn Hàn Quốc sẽ tiếp tục bị ăn mòn.

Có lẽ vậy, nên việc “bạo chi” mạnh tay của LG Display ở thời điểm này với việc đầu tư thêm tỷ đô vào cơ sở sản xuất tại Việt Nam là điều cần thiết nếu không muốn bị bỏ lại phía sau...