Trong rất nhiều nội dung, quy định liên quan, quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được Cơ quan soạn thảo khẳng định là cần thiết để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo thêm kênh huy động vốn cho các startup. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, quy định này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn nhiều hạn chế.

Kỳ vọng hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Cụ thể, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định: Chính phủ quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Chưa nên quy định doanh nghiệp khởi nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ mà chỉ nên để họ tham gia thị trường thứ cấp (Ảnh minh hoạ)

Chưa nên quy định doanh nghiệp khởi nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ mà chỉ nên để họ tham gia thị trường thứ cấp (Ảnh minh hoạ)

Theo Bộ Tài chính - Cơ quan chủ trì soạn thảo – việc đưa quy định này vào dự thảo Luật là cần thiết vì tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động chào bán chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho chứng khoán của các doanh nghiệp này.

Hơn nữa, quy định này cũng nhằm tạo điều kiện huy động vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tiếp cận vốn ngay từ giai đoạn ý tưởng và tạo điều kiện chuyển dịch, giao dịch vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Mặc dù vậy, Cơ quan soạn thảo cũng nhận định, đây là vấn đề mới, phức tạp nên khó quy định chi tiết trong Luật các nguyên tắc, điều kiện và tổ chức vận hành thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, nên quy định theo hướng giao Chính phủ quy định trên cơ sở bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm tính linh hoạt, khả thi.

Thận trọng để hạn chế rủi ro

Cho ý kiến về quy định này tại các cuộc hội thảo chuyên đề, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được huy động vốn trên thị trường chứng khoán để bảo đảm công bằng với các hàng hóa khác trên thị trường và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi, quy mô của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Luật để tránh trùng lặp với quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, ông Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – dẫn quy định của một số quốc gia trên thế giới và chỉ ra rằng, chỉ khi các doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự phát triển tốt mới được đưa ra công chúng. Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia quy định cho pháp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán chứng khoán riêng lẻ song với số tiền nhỏ để giảm rủi ro.

Theo vị chuyên gia này, chưa nên quy định chi tiết việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) mà tùy thuộc vào doanh nghiệp và thị trường và chỉ khi doanh nghiệp đủ “lớn”, có thể kiểm soát được rủi ro thì mới quy định cho phép phát hành chứng khoán riêng lẻ.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cũng dẫn thực tế từ các quốc gia có phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh, như: Phần Lan, Israel hay Hàn Quốc và cho rằng, các quốc gia này có nền tảng khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo phát triển, trong khi chúng ta còn nhiều hạn chế, nên việc khởi nghiệp thận trọng, không nên hô hào rồi đổ xô vào thị trường chứng khoán.

Hơn nữa, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khời nghiệp sáng tạo ở nước ta còn thiếu kiến thức pháp luật, thiếu văn hóa doanh nghiệp cũng như kiến thức xã hội và vẫn còn tư duy chỉ cần có chút vốn và kinh nghiệm là có thể khởi nghiệp thành công. Do đó, nếu để các doanh nghiệp này tham gia vào thị trường chứng khoán sẽ rất rủi ro và nguy cơ thất bại là hiện hữu. Do đó, ở thời điểm này, chưa nên quy định doanh nghiệp khởi nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ mà chỉ nên để họ tham gia thị trường thứ cấp.