Các bạn trẻ có thể thâu nhặt điều gì để khởi nghiệp như vậy?

Chúng ta không nên nghĩ một cách hạn hẹp rằng khởi nghiệp tức là phải đầu tư làm ăn. Mỗi người sinh ra đều là sản phẩm của hệ sinh thái xung quanh: xuất thân gia đình, điều kiện giáo dục... nên có thể xem như là đã được “ông trời” định cho làm việc này giỏi hơn việc kia.

Khởi nghiệp đầu tiên là phải tìm thấy chính mình

Từ nhỏ tôi đã được ba tôi hướng nghiệp trở thành kỹ sư công chánh. Từng có thành tích học tập rất tốt, được cấp học bổng đi Mỹ du học và học xong 3 bằng kỹ sư bên đó. Dù học rất tốt, tưởng là mình sẽ trở thành một kỹ sư giỏi, nhưng rồi sau 5 năm hành nghề kỹ sư với các công ty hàng đầu ở Mỹ tôi lại cảm thấy bản thân không có tố chất để trở thành một kỹ sư giỏi. Tôi đã phải mất đến 7 năm trăn trở mới tìm ra con đường mới, cái “nghiệp” mới mà mình có thể đam mê đeo đuổi. 

Chữ “Nghiệp” là nói đến sự gắn bó, và trải nghiệm trong cuộc đời mỗi người khác nhau nên sẽ có những lợi thế khác nhau để theo đuổi. Người có khiếu về thể thao thì nên làm vận động viện, người giỏi nghệ thuật nên theo nghệ thuật, từ đó tạo ra sự phân công xã hội. Nếu biết sớm mình thuận “nghiệp” nào và “khởi” từ khi còn trẻ thì sẽ có cơ hội thành công cao hơn. Còn trong khuôn khổ buổi nói chuyện này thì chúng ta chỉ tập trung nói về chuyện khởi nghiệp đầu tư làm ăn.

Muốn khởi nghiệp làm ăn, đầu tiên phải có một lý do thuyết phục được bản thân và những người xung quanh, rằng đây là điều mình muốn sống chết theo đuổi. Những người thành công lớn trên thế giới như Steve Job của Apple, Bill Gates của Microsoft đều vì có một lý tưởng lớn chứ không phải tiền. Ví dụ Steve mơ mọi nhà đều có máy tính để dùng, Gates mơ có một hệ điều hành thật dễ sử dụng... Tức là phải có một giấc mơ nóng bỏng. 

Tôi đã khởi nghiệp gần 20 lần nhưng đó là một số doanh nghiệp tương đối thành công, chứ chưa tính đến mười mấy doanh nghiệp mà tôi đã phải từ bỏ. Hồi ở Mỹ, tôi mở công ty xây dựng có tầm 70 người lao động, trả lương theo tuần. Mỗi chiều thứ 6, công nhân về đầy sân chờ trả lương. Có những thời điểm khó khăn đến mức, tối thứ 5 tôi thức trắng đêm vì trong tài khoản không còn một đồng. Mình không thể bảo với công nhân chờ tới tuần sau hãy lãnh lương bởi vì họ cần tiền mua sữa cho con uống. 

Các bạn phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và đủ điều kiện để theo đuổi giấc mơ vì làm doanh nhân áp lực vô cùng. Còn làm kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên... thì tâm thế thuần hơn, đỡ lên xuống.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng của Chương trình khởi nghiệp quốc gia do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp tổ chức. Ảnh: Quốc Tuấn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng của Chương trình khởi nghiệp quốc gia do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp tổ chức. Ảnh: Quốc Tuấn

Xây hệ sinh thái khởi nghiệp cho riêng mình

Để hình dung về hệ sinh thái, ta liên tưởng đến hình ảnh con chim bay ngang thả xuống đất một hạt giống. Hạt giống đó tự nảy mầm, phát triển thành cây trưởng thành trong điều kiện thuận lợi của một hệ sinh thái tự nhiên chung. 

Tuy nhiên, hệ sinh thái của mỗi doanh nhân – doanh nghiệp lại có thể khác nhau. Các bạn trẻ khởi nghiệp có thể tự định hình hệ sinh thái doanh nghiệp bằng cách suy nghĩ và liệt kê ra những điều kiện có thể giúp mình thành công. Từ điều kiện bên ngoài như giấy phép kinh doanh, vốn liếng, pháp lý.... cho đến các điều kiện bên trong về nội lực, kỹ năng, trình độ chuyên môn... xem đã có đủ những điều này chưa? 

Để nhận biết hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp gồm cụ thể những gì, chúng ta cứ bắt đầu từ bên trong bản thân mình trước. Trước tiên, bạn nhắm mắt lại suy nghĩ, muốn khởi nghiệp thì bạn sẽ cần cái gì, phải làm cái gì, rồi viết cụ thể ra những điều đó. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình đã định hình ra được những yêu cầu, điều kiện để khởi nghiệp. Bạn sẽ thấy danh sách dài hơn bạn nghĩ và đó chính là định nghĩa ban đầu về hệ sinh thái. 

Và ví dụ như trong danh sách 20 điều kiện mà bạn liệt kê ra, cái nào bạn có rồi thì bỏ qua. Còn lại sẽ thấy được thiếu cái gì và mình cần phải làm gì để có những điều kiện đó. Như vậy đã có thể xem như là hoàn thành kế hoạch kinh doanh của bạn.

Bạn đừng để ai áp đặt tiêu chuẩn về hệ sinh thái. Mỗi người có những điều kiện sống, điều kiện phát triển khác nhau.

Không có kỹ năng cụ thể nào quyết định sự khởi nghiệp thành công, nhưng trước tiên cần phải chịu thương chịu khó, làm gì cũng làm cho đến nơi đến chốn và một sự tập trung cao độ cho công việc. 

Lễ trao giải cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2019 và phát động khởi nghiệp 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

Lễ trao giải cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2019 và phát động khởi nghiệp 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhiều thống kê quốc tế cho thấy, tầm từ 42 – 48 tuổi mới là độ tuổi khởi nghiệp có xác suất thành công cao. Tất nhiên mình không nhất thiết phải chờ đến tầm đó mới khởi nghiệp nhưng ít nhất mình cần có những kinh nghiệm nhất định như biết marketing là gì, sale là gì... Ví dụ, bạn muốn mở quán cà phê thì sớm nhất hãy đi xin việc trong quán cà phê để vừa làm vừa quan sát, học hỏi những ngóc ngách trong công việc, thì sau đó khởi nghiệp mới dễ thành công. Tôi nói với các bạn là vậy nhưng chính tôi đã khởi nghiệp lúc còn năm thứ ba trong đại học vì muốn trợ giúp gia đình 10 người lúc đấy mới từ Việt Nam qua trong túi không có 1 đồng. Lúc đó tôi khởi nghiệp làm ăn vì điều kiện khó khăn của gia đình. Nhưng cũng từ đó bắt đầu nuôi dưỡng máu làm ăn chứ thực ra trong gia đình tôi lớn lên tôi không được dạy, không được khuyến khích, không hề biết chuyện làm ăn là gì. 

Tôi nhận xét ở Mỹ từ 12 – 13 tuổi, giới trẻ đã nhận giữ trẻ buổi tối, làm vườn, đưa báo,...18 tuổi vào đại học thì làm bồi bàn, partime trong các công ty,.... Đến lúc ra trường là đã trải nghiệm qua vô số công việc, tiếp cận với nhiều người, chỉ số EQ cao nên dễ thành công. Bởi vì đi làm cũng như làm dâu trăm họ, phải sống sao cho vừa lòng tất cả mọi người. 

Ngoài ra, chữ “Tín” phải là trọng tâm trong kinh doanh. Đơn giản như đã hẹn thì phải đến đúng giờ. Ông trời cho mỗi người một cái máy trong bụng, làm việc gì mà trong bụng cứ dợn dợn có nghĩa là chuyện đó không nên làm.

Đừng làm chuyện mà mình không muốn người khác làm với mình. Làm được thì hứa, không làm được đừng hứa. Làm doanh nghiệp thì phải đàng hoàng. Không đàng hoàng thì thế nào cũng sụp. Ban đầu có vẻ tốt nhưng sau đó có thể xã hội sẽ loại anh ra khỏi cuộc chơi. Nhiều bạn thất bại chỉ vì chưa có nền mà đã xây cái nóc. 

Người doanh nhân còn cần tập trung “luyện mắt”. Đi đâu cũng nhìn, quan sát rồi đặt câu hỏi: Tại sao họ lại làm như thế? Tại sao họ không làm khác đi để tốt hơn? Trả lời được rồi, đương nhiên bạn đã khởi nghiệp.

SÁNG TẠO TỪ CUỘC SỐNG

Nếu có sự sáng tạo thì dù ở đâu cũng sẽ có cơ hội thành công mà muốn “sáng tạo” cần phải đi từ chỗ thấy được “cái cầu” của xã hội. Ví dụ

như, tôi đi vào quán cà phê thấy nhiều em chưa biết cách lau bàn nên dù lau rồi mà bàn vẫn bẩn, hoặc suy nghĩ về cách làm sao để quét nhà sạch hơn, nhanh hơn, tiện hơn... Tức là nhìn thấy được nhu cầu.

Lúc học đại học tôi ở chung với một bạn người Ý. Tôi thấy anh ấy làm gì cũng tự nhiên và thường đặt câu hỏi tại sao. Anh bạn tôi có sở thích ăn kem. Mỗi lần ăn xong thường hay dùng muỗng lấy cho hết kem ở dưới đáy ly. Những cái muỗng thông thường không làm triệt để được việc

đó nên anh tự sáng chế ra một cái muỗng chỉ dùng ăn kem. Đơn giản là anh cắt ngang cái đầu muỗng. Ban đầu phục vụ cho sở thích cá nhân, sau đó anh nhận thấy có nhiều người cũng có thói quen giống mình, có thể cũng sẽ thích sử dụng cái muỗng này nên xin cấp bằng sáng chế. Nhiều công ty kem đã mua bằng sáng chế đó về sản xuất và anh dùng số tiền này mua một trang trại để kinh doanh trong lĩnh vực làm rượu vang anh đam mê.