Trung Quốc bị cáo buộc là nguồn phát tán virus SARS-CoV-2, làm cho kinh tế toàn cầu điêu đứng, khiến Mỹ và phương Tây liên minh với nhau chống Trung Quốc.

p/Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế mới trị giá 1.000 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc vì cho rằng virus SARS-CoV-2 được phát tán từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.p/Ảnh: Tổng thống Donald Trump trong một sự kiện về người cao tuổi và đại dịch COVID-19 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế mới trị giá 1.000 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc vì cho rằng virus SARS-CoV-2 được phát tán từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Tổng thống Donald Trump trong một sự kiện về người cao tuổi và đại dịch COVID-19 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Dù dịch COVID-19 đã làm chia rẽ sâu sắc quan hệ giữa các cường quốc, nhưng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia nhỏ tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Chính trị hóa” COVID-19

Màn đánh “hội đồng” của Mỹ và phương Tây đối với Trung Quốc là cú đánh chính trị, có tính sát thương lớn hơn các gói thuế trị giá hàng trăm tỷ USD mà Mỹ đã áp với Trung Quốc.

Nếu Mỹ và phương Tây cáo buộc thành công Trung Quốc phát tán dịch, thì hình ảnh Trung Quốc đại cường sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ bị “xét lại” khắp nơi, nhiều quốc gia sẽ lấy đó để thận trọng hơn với các khoản đầu tư, hợp tác, ngoại giao với Trung Quốc. Thiệt hại đó không thể tính hết bằng tiền.

Dĩ nhiên, Mỹ và phương Tây có lộ trình đưa Trung Quốc đến với một phán quyết có tính chất pháp lý toàn cầu - kết quả của “bản án” (nếu có) sẽ là hàng ngàn tỷ USD bồi thường cho Đức, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha...

Đây là đòn đánh kép và qua đó người Mỹ muốn cho thấy mình còn có khả năng lãnh đạo thế giới chống lại điều phản tiến bộ (!?). Đương nhiên, Trung Quốc cũng không chịu khoanh tay ngồi nhìn, họ đã kiểm soát được dịch bệnh, thể hiện hình ảnh “mạnh thường quân” viện trợ, trong khi phương Tây vẫn đang phải vật lộn với dịch bệnh.

Cả thế giới nhìn về Châu Âu và Mỹ trong đại dịch lần này bằng con mắt nghi ngờ. Uy tín, thương hiệu của họ ít nhiều bị hao tổn do số ca nhiễm và tử vong tăng vụt. Việc phát động chống Trung Quốc cũng là cách chuyển “điểm nóng” ra ngoài lãnh thổ, xoa dịu bất bình trong xã hội, “giảm đau” kinh tế…

Bằng cách này hay cách khác thì Mỹ và đồng minh vẫn không muốn Trung Quốc tiệm cận vị trí của mình. Dịch bệnh hay bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành “lý do” gây chiến, khiến Trung Quốc không dễ dàng hiện thực hóa khát vọng “bá chủ toàn cầu”.

Cơ hội cho Việt Nam

Có rất nhiều bước ngoặt mà Việt Nam thực hiện thành công nhờ tranh thủ “ngoại lực”, chí ít cũng nắm bắt thời cơ được tạo ra từ các diễn biến trên trường quốc tế.

Lịch sử cũng cho thấy, quốc gia nào “sử dụng” được sức mạnh quốc tế, nương theo đó để bung ra những chiến lược nhạy bén đều thu được thành công viên mãn. Và để vượt qua thách thức hiện nay, Việt Nam có hai vấn đề cần giải quyết:

Thứ nhất, để đòi lại chủ quyền biển đảo trong bối cảnh hiện nay, chỉ dựa vào nội lực là chưa đủ, mà cần tranh thủ mâu thuẫn giữa các cường quốc để quốc tế hóa, đa phương hóa vấn đề Biển Đông.

Với trị trí “địa chính trị - kinh tế” hấp dẫn của Việt Nam, chắc chắn nhiều cường quốc sẽ “có tiếng nói” ủng hộ trên mặt trận ngoại giao. Bởi lúc này hơn bao giờ hết, rất nhiều cường quốc cần những lý do liên quan đến Trung Quốc.

Thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các nước G7 đã họp bàn vạch ra kế hoạch “thay đổi chuỗi cung ứng” nhằm đoạn tuyệt với Trung Quốc - về bản chất cũng là một mũi tên trúng hai đích, vừa chủ động cho tương lai, vừa “rảnh tay” chống Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng cho mình hình ảnh thương hiệu “điểm đến an toàn”, điều này hoàn toàn hiện thực sau khi chúng ta được quốc tế ngợi ca là quốc gia chống dịch tốt nhất. Đồng thời Việt Nam cần tận dụng các FTA, một mặt giúp giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, mặt khác đa dạng hóa các đối tác.