>> Ngành Y tế và cuộc đại phẫu không thuốc tê

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế là rất cao quý, vẻ vang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”.

Lực lượng y tế Hải Phòng làm việc không kể ngày hay đêm

Lực lượng y tế làm việc không kể ngày hay đêm trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Hải Ngân

Thế mà, ở thời điểm này, ngành Y đang xảy ra nhiều “biến cố”, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và tinh thần của đông đảo đội ngũ y - bác sĩ. Và câu chuyện một bộ phận cán bộ ngành Y bỏ ngành đang nhận được sự quan tâm sâu sắc từ dư luận.

Thống kê cho thấy, chỉ 4 tháng đầu năm 2022, khi dịch đã tạm lắng, ở Hà Nội, 226 nhân viên y tế tiếp tục nghỉ việc. Ở TP Hồ Chí Minh, con số là 400 người. Tính tổng từ năm 2021 tới nay, Hà Nội đã mất gần 900 nhân viên y tế, TP Hồ Chí Minh mất gần 1.400 người. Một vài địa phương có cập nhật số liệu “chảy máu” nhân sự trong lĩnh vực y tế công tương tự.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hà - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế Hà Nội), hiện nay nhiều đơn vị đã tự chủ nên việc ký hợp đồng, làm được hay không làm được và chuyện “ra vào” cũng là “chuyện rất bình thường” như những chỗ làm khác, năm nào cũng có người nghỉ chứ không phải 2 năm vừa rồi mới có người nghỉ.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì vấn đề này nghiêm trọng hơn rất nhiều chứ không phải là chuyện “rất bình thường” như vị Trưởng phòng Tổ chức cán bộ nói. Vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề, trong đó có chế độ của đội ngũ cán bộ y –bác sĩ, nhất là thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, trong khi đây là lực lượng tuyến đầu, tiên phong trên mặt trận chống dịch.

Chẳng hạn, về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ thì cán bộ y tế chỉ được hưởng 70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, trong đó, nhiều cán bộ cùng làm trong môi trường độc hại nhưng không được hưởng, nhất là cán bộ y tế tuyến cơ sở.

>> “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"

>> “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 2): Lộ diện … phần chìm của tảng băng

>> “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu

>> “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

Lực lượng y bác sỹ vẫn ngày đêm nỗ lực hết mình để chiến đấu chống

Chính sách lương, thưởng với đội ngũ y, bác sĩ hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: Hải Ngân

Chính sách lương khởi điểm hiện nay đối với bác sĩ cũng chưa hợp lý. Khi thời gian để đào tạo ra một bác sĩ mất 6 năm nhưng lương khởi điểm vẫn được tính là 2,34 bằng với cử nhân đại học đào tạo 4 năm. Đáng chú ý, hiện tại mức thu nhập nhân viên y tế tuyến cơ sở loanh quanh 4 đến 5 triệu đồng.

Dĩ nhiên, khoản tiền đó không thể đủ để sinh hoạt ở thành phố lớn. Chưa kể, thời gian làm việc tăng cao đồng nghĩa những công việc nhà, đưa đón con… họ không thể đáp ứng. Và, họ sẽ lại thêm những khoản chi trả khác để họ có thể đảm trách công việc. Đó là một trong những lý do nhiều người “hết chịu nổi”. 

Dừng lại đây, so sánh một chút, cùng là hai “người thầy” trong xã hội, ngành y tế là nghề đặc thù với nhiều độc hại, rủi ro, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp nhiều hơn nhưng ngành Y không được hưởng chế độ thâm niên nghề như ngành Giáo dục.

Hơn nữa, sau thời gian dịch bệnh và việc nhiều cán bộ cốt cán ngành Y bị bắt khiến tâm lý của một bộ phận cán bộ y tế rất nặng nề, nhiều người không hào hứng làm việc như trước. Cơ chế hiện nay rất khó để thực hiện việc mua sắm thiết bị y tế cũng như thuốc thang. 

Từ những bất cập về chính sách nói trên, đời sống một số lượng không nhỏ những y - bác sĩ có trình độ cao, được đào tạo bài bản đã chuyển sang khu vực bệnh viện tư với mức thu nhập ổn định hơn.

Ngoài ra, hãy nhớ một điều, điểm chung của các nhân viên y tế nghỉ việc đợt này đó là phần lớn họ là nhân viên y tế ở tuyến cơ sở. Vào nguy biến, hệ thống y tế cơ sở có thể coi là rường cột để truy vết, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn các tình huống khẩn thiết.

Chính họ cũng là những người tuyến đầu chường mặt với virus và cả những bức bối của người dân sau nhiều ngày ở nhà chống dịch cùng vô vàn thiếu thốn. 

Nói cách khác, không thể kể hết được những đóng góp, hy sinh của những người thầy thuốc trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. Hình ảnh của những chiến sĩ áo trắng chân chính không quản ngày hay đêm túc trực để chăm sóc và phòng, chống dịch sẽ luôn là những hình ảnh còn đọng lại mãi trong trái tim của Nhân dân.

Vậy nên, ở giai đoạn phục hồi này, một chế độ đãi ngộ thỏa đáng kịp thời là rất cần thiết cũng là việc cần sớm giải quyết để tri ân, ghi nhận, khích lệ, động viên cán bộ ngành Y yên tâm công tác cũng là việc nên làm. Hãy hành động bằng thực tiễn của chế chộ chính sách, thay vì chỉ tôn vinh họ bằng lời nói.

Bởi, như đánh giá của UBND TP Hà Nội, trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại hoặc xuất hiện chủng virus COVID - 19 mới có khả năng lây lan, nguy hiểm thì thảm họa xảy ra rất khó lường. Nếu không có chế độ hỗ trợ các y, bác sĩ và nhân viên y tế kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.

Như vậy, phải kịp thời giải quyết ngay những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thì mới thu hút và duy trì lực lượng cán bộ ngành Y ở lại cống hiến. Từ đó mới chăm sóc được Nhân dân, người dân có được sức khỏe thì đó chính là nguồn lực để phát triển xã hội.