>>> Điểm tựa cho doanh nghiệp

Tinh thần “Việt Nam: Con rồng đang lên” ấy càng được khắc họa bởi sức chịu đựng và gian lao của doanh nhân Việt trong thời đại dịch, để giữ vững và tiếp tục xây đắp niềm tin vào tương lai phát triển. 

Mẫu xe điện của VinFast thu hút sự quan tâm tại triển lãm CES 2022.

Mẫu xe điện của VinFast thu hút sự quan tâm tại triển lãm CES 2022.

LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ DOANH NGHIỆP...

Có lẽ không cần phải nhắc lại đại dịch Covid-19 hai năm qua đã khốc liệt và bào mòn sức chịu đựng của doanh nhân Việt Nam ra sao. Nếu như năm 2020, khó khăn bởi bão lốc Covid-19 bất thần ập đến nhưng doanh nhân, doanh nghiệp Việt vẫn còn sức chống chịu cả về tài chính, nhân lực lẫn điều kiện kinh doanh còn thuận lợi khi đất nước nhanh chóng kiểm soát được dịch; thì năm 2021 với những tháng đứt gãy chuỗi cung ứng cả trong nước lẫn quốc tế kéo dài, vaccine trở thành niềm ngóng đợi từng ngày để điều kiện kinh doanh sớm trở lại bình thường, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã kiệt sức.

Hình ảnh hàng vạn người lao động quay về quê hương trong nỗi buồn và sự tuyệt vọng là một nỗi đau khôn cùng của khát vọng ly hương – mưu sinh mà thất bát vì đại dịch. Đằng sau đó là nỗi đau của hàng ngàn doanh nghiệp, các công xưởng nhỏ, cơ sở sản xuất, thương mại, các hộ kinh doanh cá thể.., phải đóng cửa, đình trệ, phá sản, không giữ được công ăn việc làm, không còn chi trả nổi cho người lao động.

Thử hình dung là trong một vùng kinh tế phì nhiêu 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ 3 quý đầu 2021, đã mất đi xấp xỉ gần 2.000 doanh nghiệp, có thời điểm chỉ vài trăm doanh nghiệp duy trì được hoạt động, thì áp lực bởi “tạm đóng cửa trong thời dịch” là khốc liệt tới đâu.

Chưa nói tới TP HCM sau hơn 3 tháng nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại, kinh tế phục hồi, sau ghi nhận tăng trưởng âm lần đầu xuất hiện suốt 35 năm qua, thì “vết thương” của đại dịch đến nay vẫn chưa thể lành lại khi có hàng ngàn doanh nghiệp vẫn đóng cửa, phố vẫn chưa thể đồng bộ lên đèn lung linh trên mọi cửa hàng, biển hiệu... Nỗi ám ảnh đại dịch vẫn chồng lên mỗi ngày trên tờ rao cho thuê mặt bằng in số điện thoại các đại lý, môi giới nhận thuê, chi chít trên những bức tường mà tầm này vào năm trước, đã được trang trí tưng bừng hình đón linh vật, hoa mai, bánh chưng, mứt tết... đủ đầy.

Một năm đi qua với khó khăn vì Covid-19 cũng là một năm thử thách bản lĩnh của doanh nhân Việt. Hơn bao giờ hết, khó khăn ấy không chỉ là gánh nặng chi phí tăng lên mỗi ngày khi phải thực thi “một cung đường, ba điểm đến”… Đó còn là khó khăn đối với bên ngoài khi chuỗi cung ứng bất kỳ lúc nào cũng có thể đứt gãy vì chậm nhập nguyên liệu, giá hàng hóa tăng cao, cước phí vận chuyển, container nhảy vọt gấp vài lần. Và trên các thị trường đối tác lẫn nội địa, bất kỳ ai đặt bút ký đơn hàng cũng không dám nói về một thời điểm “ổn định” cụ thể.

Bất định là hai chữ đã diễn ra, thử thách mọi nền kinh tế, càng thử thách với các doanh nhân. Ông Đỗ Long, nhà sáng lập Bitas – một thương hiệu Việt, trong những ngày khó khăn của đại dịch, “than” rằng: “Dù công nhân viên đã tiêm 2 mũi, sau 14 ngày vẫn có F0. Mỗi ngày vẫn phải chi phí cho test đơn test gộp, kéo dài mãi làm sao thấu”; nhưng cũng chính ông xác định rằng: “Việc của doanh nghiệp là cố gắng duy trì lực lượng lao động ít ra gắn bó với công ty 5-10-15-20-25-30 năm. Không lẽ buông, mà nếu không buông thì phải tận dụng thời gian để làm mới, phải cải tiến để sống chung với mọi biến cố tương lai”.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm thì thẳng thắn: bên cạnh khó khăn vì đại dịch, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, còn nhiều vấn đề chính sách chưa được tháo gỡ hợp lý làm cho doanh nghiệp khó khăn thêm. Một chính sách không đúng có thể làm chậm bước đi của doanh nghiệp, gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chính ông cũng có lúc muốn “nản lòng đóng cửa một công ty”…

Unitel thuộc tập đoàn Viettel giữ thị phần số 1 tại Lào với 57% thị phần đồng thời giành giải thưởng “Đổi mới trong Dịch vụ Hành chính công” và “Đổi mới trong Sản phẩm, dịch vụ dành cho người tiêu dùng

Unitel thuộc tập đoàn Viettel giữ thị phần số 1 tại Lào với 57% thị phần đồng thời giành giải thưởng “Đổi mới trong Dịch vụ Hành chính công” và “Đổi mới trong Sản phẩm, dịch vụ dành cho người tiêu dùng".

KHI VIỆT NAM CẦN, DOANH NHÂN VIỆT VƯỢT LÊN

Tuy nhiên, nỗ lực, đoàn kết, vượt lên tất cả thách thức ở trong lẫn ngoài, ở khách quan, chủ quan, nội tại… Doanh nhân Việt vẫn đã viết nên một trang sử đặc biệt trong thời gian của năm đầu thế kỷ XXI, đã vượt lên bất định để khẳng định năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, vai trò của các “tỷ phú tinh thần” lẫn “tỷ phú của cải” trong nền kinh tế, ở thời điểm mà Việt Nam cần họ.

Năm 2021 chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của doanh nhân Việt về năng lực thích ứng bất động và bứt tốc trong tư duy số, thích ứng thật sự với kỷ nguyên số. Đây là năm mà sự kết hợp của 2 doanh nhân đầu ngành công nghệ và tài chính hàng không – Doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT và tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo, nhờ đó làm nên “cú quay xe” ngoạn mục cho công nghệ Việt trên thị trường chứng khoán khi giải cứu HoSE khỏi tình trạng nghẽn lệnh mãn tính – một thành tựu được ví von như “quả bói đầu mùa” chào mừng tinh thần nỗ lực của doanh nhân Việt để hướng tới Việt Nam 2045, như chiến lược dọn đường tới thịnh vượng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra.

Bật lên trong đại dịch theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các doanh nhân Việt đã chủ động đổi mới, sáng tạo, tự thân xoay xở để tiếp tục cầm cự duy trì doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đã có hàng ngàn doanh nhân, doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ và người dân, là lực lượng đi đầu trong tiên phong đóng góp cho Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực cho công cuộc phòng, chống dịch lẫn giữ vững tăng trưởng của nền kinh tế. Hơn cả đó là “đồng tâm”, giữ vững niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định là cải cách, chuyển đổi số có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu cao vào 2045, với các lĩnh vực cải cách quan trọng mà Việt Nam đang rất cần đó là thanh toán di động, hỗ trợ người lao động yếu thế, xây dựng chính phủ điện tử, năng lượng tái tạo. Thực tế Việt Nam đã, đang làm như vậy.

Hay như ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, chưa bao giờ Việt Nam có một quyết tâm to lớn về “xanh hóa” nền kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định rõ ràng trước cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Cop26: Xây dựng một Việt Nam Netzero vào 2050. Hẳn nhiên, sẽ còn rất nhiều thách thức với Việt Nam để thực thi mục tiêu đó nhưng, hàng loạt doanh nhân Việt đã có những cuộc “bắt tay xanh” với các định chế, tổ chức quốc tế, hứa hẹn mang về hàng nghìn tỷ USD cho tài chính biến đổi khí hậu – là những mầm hi vọng vững chãi, tươi non, là thực lực, tiếp sực để doanh nghiệp vươn cành, lột xác, tiếp tục thực thi những cải cách…

Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng do Tập đoàn Sun Group xây dựng.

Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng do Tập đoàn Sun Group xây dựng.

Những ngày cuối năm Kỷ Sửu, các doanh nghiệp TP HCM, sau cơn bão COVID -19 chưa từng có, đang quật cường quay trở lại kinh doanh, tìm lại nhịp sản xuất trong bình thường mới, đặt tầm nhìn về những dự án kinh doanh có ý nghĩa lớn lao cho cộng đồng và kinh tế, để không còn những nỗi buồn, bất lực như đã xảy ra trong đại dịch còn lặp lại. Sáng kiến hợp tác của ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group và Ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành để đầu tư, xây dựng và phát triển nhà cho nhu cầu phổ thông, thực thi Sáng kiến nhà ở vừa túi tiền (Affordable Housing Initiative) với chất lượng đảm bảo, cho thấy nỗ lực liên minh của doanh nhân Việt, chia sẻ mục tiêu và tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững chung.

Ở một khía cạnh khác, ngay trong thị trường nội địa, với sự tham gia ứng dụng công nghệ số lẫn quyết tâm, tâm huyết của nhiều doanh nhân ở cả nỗ lực cầm cự, tìm hướng bảo toàn an sinh cho người lao động, hướng đi để phát triển… vẫn luôn có những điểm sáng khẳng định giá trị Việt trên toàn diện tinh thần, của cải, thương hiệu, cộng đồng… Đó là bước lăn bánh ngoạn mục trên đường cao tốc toàn cầu của hãng xe VinFast, là những anh hùng từ thiện, nhà sáng tạo ATM “có một không hai” được công nhận, tôn vinh ở cả trong nước, khu vực và quốc tế… cũng như, đó là sự “trỗi dậy” hơn nữa về tinh thần gánh vác, đi đầu khi minh định trách nhiệm, sứ mệnh của doanh nhân Việt với đất nước.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chia sẻ tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh gặp mặt doanh nhân: “doanh nghiệp Việt hiểu rằng không phải ai khác, mà chính họ là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thế nào....

“Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình. Nhiều chỉ thị đã được ban hành để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi gía trị toàn cầu, tầm cở khu vực và thế giới”, ông Dũng bày tỏ.

VĨ THANH!

365 ngày của năm Kỷ Sửu đã lùi lại và những khó khăn rõ ràng không thể làm sờn mòn được tinh thần vượt khó, ý chí tự lực tự cường của doanh nhân Việt. Ngược lại, “vũ khí” tinh thần ấy của cộng đồng doanh nhân đã đóng góp vào chiến lược chống dịch, nỗ lực thích ứng tình hình mới, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của đất nước.

Khó khăn hy vọng cũng sẽ chỉ còn là vấn đề nằm lại ở năm cũ và với những bước bật nhảy về thích ứng, về tư duy số, về tinh thần cống hiến luôn bền bỉ mỗi khi “khi tổ quốc cần” đã tôi rèn hơn nữa thế hệ vàng doanh nhân Việt qua thời kỳ “thử lửa”, doanh nhân Việt xứng đáng để có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa trong năm mới, thời kỳ mới.