ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

Theo ông Cường, việc tổ chức HĐND – tức là tổ chức một cấp chính quyền thường đi liền với quy định các chức năng, quyền hạn của cấp chính quyền đó. Đặc biệt, khi có HĐND là có quyền quyết định những vấn đề riêng của địa phường. Ví dụ, phường đó sẽ có những chính sách riêng, phương hướng hoạt động riêng khác biệt so với những phường khác. Và khi đó cần phải có một HĐND và có một cấp chính quyền riêng.

Giảm khâu trung gian

Tuy nhiên, đối với các khu vực đô thị lớn như Hà Nội, thì sự phân định giữa phường chủ yếu liên quan đến quy mô dân số mà không có sự khác biệt về hoạt động hay do đặc thù về kinh tế, xã hội, điều kiện phát triển…do đó những chính sách đặc thù của phường này so với phường khác gần như không có, mà thường được thống nhất trên phạm vi cả quận.

“Chính vì vậy mới cần giảm bớt khâu trung gian, và chính sách đó được thống nhất thực hiện rất đồng bộ trên phạm vi cả quận. Như vậy, việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường là để tạo ra sự thống nhất hơn”, ông Cường nói.

Ngoài ra, thời gian vừa qua cải cách hành chính tại nhiều địa phương diễn ra tích cực, đặc biệt tại Hà Nội chương trình cải cách hành chính đã trở thành hành động cả năm. Tuy nhiên, những cải cách từ phía thành phố cho đến quận chuyển biến rất nhanh, bất kể việc gì được người dân phản ánh lên và những chỉ thị của thành phố triển khai đến các sở, ban ngành hay đến quận thường rất nhanh chóng, nhưng khi triển khai đến phường – nơi trực tiếp gặp gỡ với người dân thì tự nhiên lại có rào cản người lại.

“Vì ở đây vẫn còn một cấp quản lý với những quyền hạn riêng, thậm chí còn có tư tưởng mang tính chất làng xã trong đô thị. Vai trò “phép vua thua lệ làng” vẫn còn, nên đôi khi những chỉ đạo hay can thiệp trực tiếp từ phía quân cũng gặp rất nhiều khó khăn”, - ông Cường bày tỏ.

Như vậy, theo ông Cường, nếu bỏ cấp HĐND phường, đồng thời những cán bộ công chức của phường sẽ trở thành một bộ phận cán bộ công chức của quận mà do quận bổ nhiệm, thì khi đó mới có thể quy rõ trách nhiệm và không còn chuyện “đùn đẩy” hay “đổ lỗi” do cấp trên chưa có ý kiến, hay đang bị vướng chỗ này, mắc chỗ kia.

Trước đây, có những việc cấp phường thường “đổ lỗi” vướng mắc là do trên quận, thậm chí là thành phố nhằm mục đích “đẩy việc”. Nhưng bây giờ quy định các cán bộ cấp phường do quận bổ nhiệm, khi đó sẽ phân rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của số cán bộ này và không thể “đùn đẩy” được cho ai. Lúc này mới có thể giải quyết được căn bản cải cách thủ tục hành chính để phục vụ cho người dân tốt hơn. “Bên cạnh đó sẽ giúp cho bộ máy hành chính gọn nhẹ đi, làm việc hiệu quả hơn. Do đó, theo tôi chúng ta cứ mạnh dạn thực hiện việc thí điểm này”, ông Cường nói.

Chính quyền sẽ năng động hơn

Chia sẻ về những lo lắng việc thí điểm này liệu có vi phạm Hiến pháp hay không? Ông Cường cho biết, trong Hiến pháp không nói phải có HĐND cấp phường, mà chỉ ghi tổ chức cấp chính quyền và phải phù hợp với các điều kiện. Vậy, trong trường hợp thí điểm ở một số phường không tổ chức một cấp chính quyền thì cũng không vi hiến.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng ủng hộ phương án thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường, vì phù hợp trong tình hình hiện nay, chính quyền đô thị phải năng động hơn. Do đó, việc thí điểm theo bà Khánh là rất cần thiết. Đồng thời bà Khánh cũng thẳng thắn bày tỏ người đứng đầu quận phải làm việc công tâm, minh bạch trước nhân dân, không để xảy ra hiện tượng đưa “con cháu các cụ” vào các vị trí của quận để tạo ra nhóm lợi ích mà không phục vụ lợi ích của người dân.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng bày tỏ sự đồng tình về thí điểm này. Vì với một yêu cầu thành phố thông minh, chính quyền đô thị thì sẽ có sự đòi hỏi rất cao bộ máy chính quyền phải thực sự tinh gọn, linh hoạt, năng động, hiệu lực và hiệu quả. Ông Hiểu đánh giá, với khám phá một phần của thí điểm này thì cũng đã hướng tới và đáp ứng được yêu cầu đó.“Với quyết tâm chính trị cao của thành phố, thì chắc chắn mô hình thí điểm này sẽ thành công”, ông Hiểu bày tỏ.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

Vẫn theo ông Hiểu, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra giám sát của cấp ủy và công tác giám sát phản biện của MTTQ. Vì những nơi gần người dân thường phát sinh nhiều vấn đề nhất. Thực tế cho thấy, nếu thống kê cán bộ gây khó dễ cho người dân, thì cán bộ cấp phường, xã thường hay có các hành vi phản cảm nhất.