>> Diễn đàn "Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam"

Thành quả từ việc khuyến khích, thu hút phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị điện mặt trời và điện gió, các dịch vụ kỹ thuật, khai thác hiệu quả các vùng đất khô cằn, giúp thu hút lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào ngành điện.

Tuy nhiên, do quy trình thủ tục còn nhiều bất cập, bao gồm sự tăng trưởng bất thường của công suất điện mặt trời áp mái thời gian vừa qua đã gây ra sự ách tắc của hệ thống truyền tải, kéo theo hàng loạt hệ luỵ, cắt giảm công suất phát của nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió trên toàn quốc. Để lắng nghe những phân tích, nguyện vọng từ phía doanh nghiệp Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mỹ Linh Giám đốc Tài chính và Quản lý Tài sản - Scatec Việt Nam - kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Đầm Nại xung quanh nội dung này.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh GĐ Tài chính và Quản lý Tài sản - Scatec Việt Nam - kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Đầm Nại

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Tài chính và Quản lý Tài sản - Scatec Việt Nam - kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Đầm Nại.

- Thưa bà, những chính sách khuyến khích phát triển vừa qua đã đem lại những thành quả nào cho thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

Các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) trước đây kể từ Quyết định 37/2011/QĐ-TTg và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, trong đó có quy định giá FIT mua điện cùng với các ưu đãi đầu tư đã hỗ trợ phát triển điện gió lên một bước tiến mới.

Bên cạnh đó, các chính sách và ưu đãi  cho điện mặt trời trong Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã tạo sự đột phá phát triển mạnh mẽ cho ngành này. Kết quả của sự phát triển bùng nổ của ngành NLTT được thể hiện qua tổng công suất lắp đặt của điện gió và điện mặt trời đã vượt qua 21GW. Con số này chứng tỏ tiềm năng và sự phát triển của thị trường NLTT tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần lưu ý về chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư như cơ chế, quy định về việc phát triển, đầu tư cần rõ ràng và ổn định hơn giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia. Đặc biệt là đối với khuôn khổ hành lang pháp lý sắp tới về cơ chế đấu giá và mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Cần xem xét việc nâng cấp hạ tầng lưới điện bao gồm đường dây, trạm biến áp phù hợp với nguồn điện

Cần xem xét việc nâng cấp hạ tầng lưới điện bao gồm đường dây, trạm biến áp phù hợp với nguồn điện.

- Vậy thị trường NLTT hiện nay cần những cơ chế nào để vừa điều chỉnh những bất cập tồn tại vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư, thưa bà?

Trên thực tế, còn tồn tại những bất cập chưa được khắc phục, khi nhiều khu vực buộc phải cắt giảm công suất phát của các nhà máy năng lượng tái tạo do lưới điện bị quá tải. Đặc biệt, hiện trạng này thường diễn ra tại các địa bàn có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn như các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định.

Nhằm tránh điều này tiếp tục xảy ra trong tương lai, các dự án được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực cần được ưu tiên xem xét khả năng truyền tải, nối lưới và tiêu thụ. Các đơn vị chủ quản như EVN, Bộ Công Thương cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc lựa chọn tiêu chí của dự án như công nghệ, công suất và địa điểm ngay từ đầu để phù hợp quy hoạch cũng như cần đưa ra các tiêu chí rõ ràng để lựa chọn các nhà phát triển dự án, nhà đầu tư có năng lực để có thể thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, cần xem xét việc nâng cấp hạ tầng lưới điện bao gồm đường dây, trạm biến áp phù hợp với nguồn điện để tránh lãng phí vốn đầu tư của doanh nghiệp và xã hội. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích cho các giải pháp lưu trữ (ESS) để giảm thiểu vấn đề cắt giảm công suất các nhà máy, giảm thiểu quá tải và cải thiện sự ổn định của lưới điện. Các cơ chế và hành lang pháp lý mới như DPPA, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cần khuyến khích đầu tư nước ngoài tham gia thị trường điện, chia sẻ rủi ro với vốn trực tiếp và gián tiếp trong nước.

- Bà có nhắc đến tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng, vậy chúng ta cần có những giải pháp nào, để thu hút nguồn vốn ngoại vào thị trường Việt Nam, thưa bà?

Khía cạnh quan trọng nhất trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài là những quy định, quy chế cần đơn giản, minh bạch và chính sách ổn định. Hiện nay, do có sự chồng chéo về chính sách quy định giữa các Bộ, Ngành đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, với mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo ở khu vực, nên đây là thời điểm phù hợp nhất để xem xét việc đưa ra các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng tái tạo, tiêu chuẩn hóa các quy định để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài.

- Với nội dung bản Dự thảo quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện trình Chính phủ, bà có những góp ý như thế nào về bản quy hoạch này không, thưa bà?

Dựa trên tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, chúng tôi hy vọng rằng NLTT sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong quá trình rà soát, cập nhật và hoàn thành Quy hoạch điện VIII với những điểm quan trọng nhằm quy hoạch phát triển phù hợp với việc đầu tư cơ sở hạ tầng và thị trường đầu tư ổn định, cạnh tranh.

Với cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa mức phát thải carbon "ròng" bằng 0 thông qua việc cập nhật, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, bổ sung phát triển thêm nguồn điện từ năng lượng tái tạo và tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam là một phần trong chương trình này.

Việc lập Quy hoạch điện VIII phải xem xét phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện để hỗ trợ việc tận dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo trên toàn quốc đồng thời tránh rủi ro cắt giảm công suất. Hơn nữa, khuôn khổ pháp lý quy định về năng lượng tái tạo mới, cần được  chuẩn hóa, nhất quán với các quy định hiện hành khác nhằm giảm bớt quy trình, thủ tục trong việc triển khai .

Xin cảm ơn bà!