Thị trường TPCP ngày càng có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư

Thị trường TPCP ngày càng có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân phiên của trái phiếu Chính phủ đạt 10.500 tỷ đồng, tăng gấp 351 lần trong vòng 13 năm qua.

Theo đó, giá trị vốn hóa thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) tính đến ngày 28/2 đạt 1.009.038 tỷ đồng, tương đương 20% GDP năm 2017, gấp 6,3 lần so với cuối năm 2009. Giá trị giao dịch bình quân phiên 2 tháng đầu năm 2018 đã đạt 10.500 tỷ đồng, tăng gấp 351 lần trong vòng 13 năm, kể từ khi HNX ra đời.

Đặc biệt là giao dịch repo (mua đi, bán lại trái phiếu, cổ phiếu) chiếm 53% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Điều đó có nghĩa là thị trường trái phiếu cũng có tính thanh khoản, chứ không “đóng băng” để nằm chờ lãi suất cao, nhất là đường cong lãi suất TPCP ngày càng đi xuống mức thấp trong hai năm trở lại đây.

Theo Bộ Tài chính nhằm mục đích cơ cấu lại thị trường TPCP, tránh tình trạng phát hành trái phiếu ngắn hạn mà cho vay dài hạn có nhiều rủi ro, nên kỳ hạn phát hành trái phiếu ngày càng dài ra. Cụ thể, tỷ trọng giao dịch trái phiếu kỳ hạn dài (từ 15 năm trở lên) trong năm 2016 và 2017 khá cao, chiếm tới 20% và 45% tổng khối lượng trúng thầu toàn thị trường. Hai tháng đầu năm 2018, kỳ hạn huy động chiếm tỷ trọng cao nhất trong tháng là kỳ hạn 10 năm (chiếm 32,1%) và 15 năm (21,4%).

Lãi suất huy động vốn qua đấu thầu giảm dần theo thời gian và thường thấp hơn 0,8% đến 2,5%/năm so với lãi suất huy động của ngân hàng. Lãi suất trúng thầu bình quân tháng 2/2018 giảm trên tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2017.

Số liệu thống kê cũng cho thấy năm 2017 có hàng chục phiên giao dịch với giá trị giao dịch đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên. Cũng trong năm 2017 giá trị giao dịch repo đã vượt lên, chiến tới 49,24% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Theo các chuyên gia tài chính, đây là những thay đổi rất lớn trên thị trường TPCP, bởi lẽ TPCP là một lăng kính phản ánh “sức khỏe” của nợ công. Khi kỳ hạn phát hành TPCP ngày càng dài ra và lãi suất ngày càng thấp đi cho thấy việc phát hành TPCP đã ngày càng trở nên an toàn, chuyển nợ ngắn hạn thành dài hạn có kết quả rõ rệt, thay cho tình hình đi “vay nóng” qua phát hành TPCP kỳ hạn ngắn như những năm trước.

Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại toàn bộ nợ công, nhất là TPCP đang triển khai hiệu quả. Từ chỗ tỉ lệ nợ ngắn hạn, lãi suất cao, không được ưu đãi dồn ép nay đã đảo ngược, chuyển thành phần lớn là nợ trung và dài hạn, giảm áp lực cho nền kinh tế.

Thậm chí, kế hoạch phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế đã không phải dùng đến mà giải quyết được thông qua cơ cấu các khoản nợ vay và phát hành trong nước.

Theo kế hoạch phát hành TPCP mà Kho bạc Nhà nước vừa công khai tới các thành viên thị trường, tổng mức phát hành trong quý I/2018 là 45.000 tỷ đồng.

Trong đó trái phiếu có hạn mức huy động lớn nhất là loại trái phiếu có kỳ hạn 10 và 15 năm, mỗi kỳ hạn huy động 11.000 tỷ đồng, tiếp đến là trái phiếu có kỳ hạn 30 năm: 8.000 tỷ đồng; các kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 20 năm mỗi kỳ hạn huy động 5.000 tỷ đồng.

Hoạt động huy động vốn cho ngân sách nhà nước qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ từ đầu năm đến nay diễn ra sôi động trở lại sau khi khá trầm lắng vào cuối năm 2017. Gần đây tuy lãi suất trúng thầu ở các kỳ hạn như 7 năm, 10 năm và 15 năm đều giảm so với các phiên đấu thầu trước đó, nhưng trái phiếu bán ra vẫn đắt hàng.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh-Tổng thư ký  Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, năm 2018 tiếp tục được kỳ vọng là một năm phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu Việt Nam trên cơ sở môi trường vĩ mô ổn định và kỳ vọng về khả năng kết hợp hiệu quả, linh hoạt và nhịp nhàng hơn trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Điểm nhấn đáng chú ý là chính sách tài khóa đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, tỷ lệ nợ công có xu hướng giảm nhẹ trong năm 2017. Do đó, khối lượng vay nợ qua phát hành trái phiếu của Chính phủ năm 2018 được kỳ vọng sẽ giữ ở mức tương đương năm 2017.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cũng đang được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt với nền tảng là lạm phát, tỷ giá được kiểm soát trong mục tiêu đề ra. Hệ thống ngân hàng tiếp tục được tái cấu trúc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo chuẩn Basel. Nhờ đó, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng được củng cố, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường TPCP...