Hòn Dấu vốn nằm liền kề với bán đảo Đồ Sơn, nhưng trong quá trình vận động của thềm lục địa, một phần dãy núi tách ra từ bán đảo Đồ Sơn trôi về phía biển, trở thành đảo Hòn Dấu (đảo Dấu).

Đảo Dấu còn được biết đến là điểm du lịch đầy hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nơi đây có cánh rừng nguyên sinh và hàng cây đa búp đỏ cổ thụ trăm tuổi là cây Di sản Việt Nam. Đặc biệt, còn có ngọn hải đăng tỏa sáng cả trăm năm qua.

Trải nghiệm nguyên sơ, kỳ bí…

Hơn 8h sáng một ngày giữa tháng 6, chúng tôi có mặt tại bến cảng thuộc Resort Hòn Dấu để chuẩn bị khởi hành ra đảo Dấu. Sau 15 phút lênh đênh sóng nước, chúng tôi đã đặt chân lên danh thắng quốc gia đảo Dấu.

Đã ghé thăm đảo Dấu nhiều lần nhưng đều là những chuyến đi chớp nhoáng. Lần này, chúng tôi mới có cơ hội được đi thăm một vòng quanh đảo. Khác biệt với sự ồn ào, hiện đại của phố thị, đảo Dấu yên bình, tươi mát một màu xanh. Nơi đây vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ, đẹp đẽ của thiên nhiên với cánh rừng nguyên sinh cùng thảm thực vật xanh mát.

Khác với rất nhiều hòn đảo trên khắp đất nước Việt Nam, loài cây đặc trưng nhất trên đảo Dấu không phải dừa, phi lao… mà là quần thể cây đa búp đỏ, si, sanh… cổ thụ hàng trăm năm tuổi, từ vài đến chục người ôm không hết. Rừng ở đây còn vẹn nguyên cả ba tầng thực vật, cơ man những gốc cây cổ thụ to lớn, điểm xuyết là những cây thân thảo, thân bò, thân leo.

Theo lời kể của chị Lưu Thị Thu Huyền – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn, quần thể cây đa búp đỏ trên đảo Dấu là quần thể cây đa cổ thụ nhiều nhất Việt Nam với hàng trăm cây mới được các nhà khoa học phát hiện, trong đó có 45 cây hơn 100 tuổi. Năm 2013, quần thể Đa cổ thụ gồm 35 cây có độ tuổi từ 400 - 700 tuổi trên đảo Dấu đã được công nhận là "Cây di sản Việt Nam".

Cũng theo chị Huyền, đảo Dấu hay còn có tên gọi “Cụ Dấu” nằm cách bán đảo Đồ Sơn gần 1km, như một viên ngọc minh châu trước miệng rồng. Từ rất xa xưa, đảo Dấu được coi là vùng đất thiêng của xứ Đông. Đó là nơi che chắn cho làng Cổ Trai, trung tâm vương triều nhà Mạc (huyện Kiến Thụy ngày nay). Không chỉ vậy, trên đảo Dấu còn có ngôi đền cổ thờ vị thần cai quản bể Nam. Đó là đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương nằm ngay sát mép biển, núp dưới những bóng đa cổ thụ đã được vinh danh cây di sản.

Ngay nơi tàu cập đảo là ngôi đền cổ xưa nằm sát bên bờ biển, nép mình dưới những tán cây khổng lồ xanh mướt là đền thờ Nam Hải Thần Vương. Sở dĩ đền thờ mang tên Nam Hải vì vị võ tướng trấn giữ ở phía Nam biển, chết cũng ở phía Nam biển nên có huệ diệu Nam Hải Đại Thần Vương. Nơi thi thể của được mối phủ kín thành mộ chỉ sau một đêm, bây giờ vẫn còn phía sau hậu cung của đền.

>> Hải Phòng: Đảo Hòn Dấu được công nhận là điểm du lịch

Nơi “mắt ngọc” tỏa sáng soi đường

Từ đền thờ Nam Hải Thần Vương, đi theo con đường nhỏ rợp bóng cây xanh của rừng nguyên sinh là tới ngọn Hải đăng Hòn Dấu. Ngọn hải đăng Hòn Dấu cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo. Trên cùng là cây đèn biển đã hơn trăm tuổi được mệnh danh là mắt ngọc của Tổ quốc. Những con tàu đi biển xa khi bắt được ánh hải đăng Hòn Dấu là được trở về bến đậu.

Đặt chân đến ngọn Hải đăng Hòn Dấu sẽ mang đến cho du khách một nét nhìn đầy khác lạ. Hải đăng Hòn Dấu mang trong mình những giá trị lịch sử, truyền thống riêng có. Trải qua mưa bom, bão đạn khốc liệt, nhưng với ý chí, quyết tâm “còn người, còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn sáng”, ngọn Hải đăng Hòn Dấu vẫn hàng đêm sáng đèn, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền cập Cảng Hải Phòng, Hòn Gai, cung cấp hàng viện trợ cho những đoàn tàu không số đi tiếp viện miền Nam, giải phóng đất nước.

Ngày nay, tại khu vực ngọn hải đăng Hòn Dấu, những dấu tích của một thời oanh liệt vẫn còn được lưu giữ và giới thiệu tới các đoàn khách khi đến tham quan đảo.

Trời xẩm tối, cũng là lúc chuyến tàu cuối cùng rời đảo. Lên tàu rời đảo về đất liền, trong bầu không khí mặn mòi của biển cả, hòa cùng tiếng sóng biển rì rào như những bản nhạc đầy du dương, lời dặn dò: "Đến đảo Dấu đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh - Đừng để lại gì ngoài những dấu chân" của những người “gác đảo” khiến chúng tôi không khỏi suy ngẫm.

Có lẽ đó là cách mà người dân Đồ Sơn nói riêng, du khách thập phương nói chung thể hiện sự tôn kính với vị thần đảo; cũng như để gìn giữ, bảo tồn vẻ nguyên sơ của đảo Dấu giữa cuộc sống hiện đại, nhộn nhịp và xô bồ. Cũng là đến Đồ Sơn nhưng nếu ra thăm đảo Hòn Dấu có lẽ sự thú vị của chuyến du lịch sẽ tăng thêm rất nhiều.