Khi đi học, ai cũng có thể chọn bạn để chơi nhưng khi đi làm, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Chốn công sở là nơi tập hợp vô số kiểu người, khác thế hệ, khác tính cách, khác cả môi trường giáo dục. Chắc chắn khi làm việc cùng họ, bạn ít nhiều sẽ bị căng thẳng.

Nói lời "cảm ơn" chân thành

Nhiều người coi “cảm ơn” như một câu cửa miệng nên họ thường nói với thái độ rất hời hợt thay vì chân thành, đúng chuẩn mực. Nhưng về bản chất, “cảm ơn” chính là việc công nhận sự tồn tại một cách tối đa.

Khi nhận được câu “cảm ơn”, người ta sẽ thấy bản thân có ích, được người khác cần đến. Việc cảm ơn trước khi đưa ra chỉ thị hay khiển trách sẽ giúp cách tiếp cận của đối phương thay đổi.

Trong công việc, không phải lúc nào bạn cũng gặp được

Trong công việc, không phải lúc nào bạn cũng gặp được "cạ cứng" vì vậy biết ứng xử là điều rất quan trọng. Ảnh: VantageCircle.

Trước tiên, hãy truyền đạt lòng biết ơn của mình “Cảm ơn vì trước đây đã làm việc… cho chị. Kỹ năng của em tiến bộ nhiều rồi đấy”. Bạn phải lưu ý, đừng cảm ơn vì hành động của đối phương, hãy cảm ơn vì lợi ích mà hành động đó mang lại.

Ví dụ, đừng chỉ hời hợt: “Cảm ơn vì đã chuẩn bị tài liệu cho chị”, thay vì vậy, bạn hãy nói: “Nhờ em chuẩn bị tài liệu rất dễ hiểu nên bài thuyết trình của chị trôi chảy lắm!” Đối phương sẽ cảm thấy mình có ích".

Khuấy động tinh thần hăng hái bằng "chiến thuật thì thầm"

Trong phần này, tôi sẽ giới thiệu một phương pháp giúp việc giao tiếp trong đội nhóm được suôn sẻ. Ai cũng có thể sử dụng phương pháp này, từ trưởng nhóm đến người hỗ trợ.

Khi làm việc trong một đội, hãy truyền đạt rõ ràng những ưu điểm của từng thành viên và đóng góp của họ cho cả đội. Hãy nói trực tiếp với người đó điều mà bạn suy nghĩ, ví dụ: “Vì anh A làm trưởng nhóm nên mọi người dễ làm việc hơn đấy” hay “Nhờ em B hỗ trợ cả đấy”.

Việc ghi nhận những điểm tốt của mỗi người sẽ nâng cao động lực làm việc của từng cá nhân và hâm nóng bầu không khí của cả đội. Ngoài ra, bên cạnh việc trao đổi công việc, đánh giá thành tích hay đưa ra chỉ thị và quy định, bạn cũng nên hỏi thăm hay chia sẻ khi thấy thành viên gặp vấn đề về tâm lý hay sức khỏe.

Một cách hiệu quả nữa là khen ngợi thông qua người khác. Ví dụ, bạn không trực tiếp khen B mà nói với A: “Vì B cố gắng nên đỡ được bao nhiêu”. Khả năng lớn là A sẽ nói với B: “Chị Yamasaki đã khen cậu đấy…” Tôi gọi đó là chiến thuật thì thầm.

Được khen trực tiếp cũng vui, nhưng nếu biết ai đó đề cao năng lực của mình với người khác, bạn sẽ còn vui hơn nữa. Nếu bạn đã tạo ra được tình huống khiến mọi người cảm nhận mình có ích, họ sẽ cố gắng không ngừng nghỉ.

Trong một nhóm tiêu cực với toàn những lời phủ định, mọi người sẽ ngần ngại không nói ra ý kiến của mình. Một đội nhóm như thế không thể mang đến sản phẩm, dịch vụ, hay ý tưởng xuất sắc. Ngược lại, nếu tạo được bầu không khí đội nhóm tốt, nhóm sẽ hoạt động hiệu quả".

Luôn duy trì tâm trạng tốt

Tôi đã nói với bạn rằng, cảm xúc tức giận là do bản thân quyết định. Vì không thể thay đổi cảm xúc hay hành động của đối phương, nên chính cảm xúc của bạn sẽ điều khiển hành động.

Hãy luôn coi trọng cảm xúc của bản thân, tức là tạo nên trạng thái mà phản ứng tức giận khó lòng xảy ra. Nói tóm lại, luôn duy trì “tâm trạng tốt” là phương pháp bạn có thể tự thực hiện giúp bạn có được trái tim khoan dung hơn, khả năng kiềm chế cảm xúc tức giận tốt hơn, tinh thần luôn tích cực, thoải mái.

Tất cả những điều này giúp bạn vui vẻ và dễ dàng tha thứ hơn. Tôi sở hữu đến vài “nút chuyển đổi tâm trạng” để giúp bản thân vui vẻ trở lại khi thất vọng, hay khi muốn dứt bỏ những trăn trở khó chịu trong lòng như đến tiệm làm móng hay mua hoa đẹp…

Các bạn cũng vậy, có việc gì khiến bạn vui vẻ không? Nghe nhạc, đọc sách, uống cà phê… chẳng hạn? Khi có nhiều nút chuyển tâm trạng, bạn có thể nhanh chóng rũ bỏ tâm trạng thất vọng để trở về trạng thái ban đầu.

Cảm giác tức giận hay khó chịu rất dễ làm bạn tuột mất cơ hội giao tiếp với người khác, dẫn đến sai lầm và rơi vào vòng xoáy tiêu cực. Hãy công nhận tâm trạng của mình và khống chế những cảm xúc tiêu cực để có thể thành công trong cả cuộc sống lẫn công việc".