Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác của Quốc hội đã đến làm việc với Tổng cục Thuế về công tác quản lý thu ngân sách và thực hiện chiến lược cải cách thủ tục hành chính

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác của Quốc hội làm việc với Tổng cục Thuế về công tác quản lý thu ngân sách và thực hiện chiến lược cải cách thủ tục hành chính.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2019 đạt 5.384 nghìn tỷ đồng, bằng 77,3% mục tiêu kế hoạch cả giai đoạn 2016-2020. Trong đó, thu nội địa không kể dầu thô đạt 4.144,8 nghìn tỷ đồng, vượt 7,9% dự toán; tăng trưởng thu bình quân 13%/năm; chiếm khoảng 77% trong tổng thu NSNN. Số thu nội địa không kể tiền sử dụng đất đạt 3.619 ngàn tỷ đồng, vượt 1,8% dự toán; tăng trưởng thu bình quân 11,9%/năm.

Về quy mô thu ngân sách năm 2019 gấp 1,55 lần so với năm 2015, trong đó thu NSNN do cơ quan thuế quản lý gấp 1,56 lần. Thu ngân sách của hầu hết các địa phương tăng nhanh qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng thu NSNN giai đoạn 2016-2019 bình quân đạt 11,6%/năm, trong đó thu NSNN do cơ quan thuế quản lý tăng 11,8%/năm.

Cơ cấu thu trong giai đoạn 2016-2019 tiếp tục chuyển biến theo hướng bền vững hơn so với giai đoạn 2011-2015, thu nội địa chiếm khoảng 80,9% trong tổng thu NSNN; thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu (Tỷ trọng thu dầu thô trong tổng thu NSNN giảm từ 12,9% của giai đoạn 2011-2015 xuống còn 3,9% trong giai đoạn 2016-2019; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 17,7% xuống còn 14,6%).

Tuy nhiên trong 8 tháng đầu năm 2020, công tác thu ngân sách phải đối mặt với không ít khó khăn, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 752.615 tỷ đồng, bằng 60% so với dự toán, bằng 91,9% so với cùng kỳ. Ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, nguyên nhân của tình trạng này, là do kinh tế những tháng đầu năm chịu tác động lớn của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm so với cùng kỳ. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân, khiến thu ngân sách sụt giảm mạnh, đến nay chưa hồi phục.

Theo tính toán của Tổng cục Thuế, ước cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách đạt 6.707.055 tỷ đồng, bằng 103,7% so với dự toán và tăng 1,61 lần so với giai đoạn trước. Tỷ lệ huy động NSNN bình quân đạt 24,4% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (23,5% GDP).

 Liên quan đến công tác triển khai chiến lược cải cách 2011-2020, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã nghiên cứu báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung các sắc thuế, phí lệ phí đảm bảo phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ chiến lược đã đề ra. Những nỗ lực cải cách của ngành thuế đã được các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao.

Theo đó, tại hội nghị công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính của Chính phủ (APCI 2018) nhóm thủ tục hành chính thuế đứng thứ nhất trong 08 nhóm thủ tục được đưa vào đánh giá.

Nhờ kết quả cải cách thuế mà mức độ hài lòng của người nộp thuế đã tăng từ 7,5/10 của kỳ trước lên 7,8/10 (tăng 3%), Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (Doing Business-DB) năm 2020 đã ghi nhận một cách khách quan những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tăng mức độ thuận lợi về thuế cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó thời gian nộp thuế chỉ còn 384 giờ, (thuế là 237 giờ và BHXH 147 giờ), giảm 114 giờ so với DB2019, đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ đề ra.

Tại chương trình làm việc của Đoàn công tác của Quốc hội với Tổng cục Thuế về công tác quản lý thu ngân sách và thực hiện chiến lược cải cách thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đánh giá cao những nỗ lực trong cải cách hành chính và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của ngành thuế trong 5 năm qua.

Trong đó, Tổng cục Thuế đã tích cực tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi nhiều sắc thuế, đảm bảo bao quát nguồn thu. Cơ quan thuế các cấp đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi trong quản lý thu thuế. Cùng với đó là sự thay đổi trong sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác chống thất thu thuế, xây dựng chính sách ngày một hoàn thiện. Cơ cấu thu NSNN dịch chuyển theo hướng bền vững hơn với sự tăng dần về tỷ trọng của thu nội địa, đảm bảo cho chi thường xuyên, trả nợ, một phần chi đầu tư cho phát triển.

Tuy nhiên, chính sách, công tác quản lý thuế vẫn còn những tồn tại như tính trung lập của thuế là chưa đảm bảo, chính sách thuế gánh quá nhiều nhiệm vụ an sinh xã hội, nợ đọng thuế vẫn còn cao; một số nguồn thu từ sản xuất kinh doanh chưa hoàn thành dự toán được giao, công tác giải quyết vướng mắc của người nộp thuế có lúc chưa kịp thời. 

Trong thời gian tới, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và sẽ tác động không thuận đến nhiệm vụ thu NSNN trong khi đó nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, chi lương, kích cầu tăng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới, tỷ lệ huy động NSNN bình quân không thấp hơn 25% GDP, tỷ lệ huy động thu thuế, phí bình quân đạt thấp nhất là 21% GDP, nợ thuế thấp hơn 3% tổng thu NSNN, bội chi NSNN cần được kiểm soát ở mức dưới 4% GDP, nợ công dưới 60% GDP.

Để thực hiện được những mục tiêu này, ngành thuế cần tiếp tục cải cách, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng mức độ hài lòng của người nộp thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế cần đẩy mạnh việc thanh kiểm tra thuế theo rủi ro, giảm số lượng nhưng tăng chất lượng từng cuộc thanh, kiểm tra. Trong chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 10 năm tới, ngành thuế cần phải đạt được mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu hội nhập” -  Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.