>>Hoá giải thế khó trên thị trường bán lẻ xăng dầu

Tuy nhiên, đến thời điểm này nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, địa phương, nguồn cung cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân đã cơ bản được đảm bảo đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Nguyễn Việt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Nguyễn Việt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết về hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh, tập trung ở các địa phương như An Giang, TP. HCM, Đắk Lắk... tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2022, chiều 12/10.

Quan trọng lúc này là nguồn cung

Theo Nghị định 95 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, hiện nay không còn khái niệm doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu mà là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Họ có thể nhập khẩu hoặc mua ngay nguồn trong nước.

Quý II/2022 vừa qua, do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc, giảm công suất xuống 50-55%, thậm chí có thời gian gián đoạn và không còn sản xuất, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 242 yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối phải tăng nhập khẩu để bù cho nguồn thiếu hụt trong nước.

Nhưng thời điểm đó, doanh nghiệp mua xăng dầu với giá rất cao, sau đó giá liên tục giảm dẫn đến thua lỗ, khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí, kể cả chiết khấu cho đại lý trong nước.

Vẫn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, vấn đề quan trọng nhất lúc này là nguồn cung. "Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách tăng chi phí cho doanh nghiệp. Hôm qua (11/10), Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắnh Hải cho rằng, việc tăng chi phí này mới được giải quyết một phần. Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam dù mới được điều chỉnh tăng lên, nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao. Bộ Công Thương sẽ kiến nghị với Chính phủ để tiếp tục điều chỉnh chi phí tăng lên để chia sẻ với doanh nghiệp.

Trao đổi về tình hình sản xuất thương mại, công nghiệp 9 tháng đầu năm 2022, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid -19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine… đã tác động đến sự hồi phục kinh tế toàn cầu, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu.

Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng; giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, sinh hoạt tăng cao… đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.

“Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 9,63%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 8,83%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (9 tháng/2021 tăng 4,45%).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng/2021 tăng 3,9%).

Trong đó tăng trưởng cao ở 2 nhóm ngành. Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tốc độ tăng 10,4% và Nhóm sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%. Điểm sáng trong sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 là các ngành sản xuất đã bước vào giai đoạn phục hồi tính cực, cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 61/63 địa phương.

“Chúng ta cơ bản đảm bảo các cân đối lớn như đảm bảo đủ điện, xăng dầu, nguyên vật liệu cơ bản cho sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Về mức tăng của sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao với cùng kỳ, đạt gần 558 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%. Xuất khẩu tăng hơn gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%).

Tăng trưởng đồng đều ở hai nhóm hàng chính là nhóm hàng công nghiệp chế biến (tăng 17,4%) và nhóm hàng nông, thủy sản (15,6%) và tăng cao ở nhóm nhiên liệu và khoáng sản (tăng 44,9%).

>>Tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu

>>Quảng Ninh: “Siết chặt” quản lý trong kinh doanh xăng dầu

"Điểm sáng" xuất khẩu

Điểm sáng trong xuất khẩu 9 tháng đầu năm là có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam ta có thế mạnh và khai thác tốt các FTA, như hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%).

Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Nguyễn Việt

Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Nguyễn Việt

Bên cạnh đó, chúng ta đã tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở rộng thêm các thị trường mới thông qua hàng loạt các biện pháp.

Trong xuất nhập khẩu nói chung, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt gần 276 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 31,4%) và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 94%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm gần 6%.

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu 3,44 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Vẫn theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5%), cao hơn mức tăng 9 tháng của năm trước dịch bệnh, tăng cao so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm tăng 7-8%).

Điểm sáng của thị trường trong nước 9 tháng đầu năm là hàng hóa dồi dào, sức mua tăng trở lại, cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu cho đời sống, nguyên nhiên vật liệu cho thị trường được đảm bảo. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng, nhất là giá xăng dầu. Triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ sản phẩm..

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, mặc dù đạt được kết quả tích cực như đã nêu trên nhưng phát triển ngành Công Thương trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Đơn cử, các thị trường lớn của Việt Nam đang chịu nhiều tác động của lạm phát tăng cao; đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD, thị trường xuất khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm; chính sách thắt chặt tiền tệ và phòng, chống dịch Covid-19 ở một số nước cũng sẽ tác động đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam theo hướng bất lợi…

Căng thẳng địa chính trị khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, tác động đến việc giữ giá cả nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải ở mức cao. Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi; khó khăn trong tiếp cận tín dụng, gói hỗ trợ; thủ tục hành chính, hoàn thuế VAT chậm, cạnh tranh lao động giữa các ngành xu hướng tăng…

Do đó, trong những tháng cuối năm, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.

Tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước thông qua một số giải pháp.

Như theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị phù hợp. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước ở những vùng bão, lũ, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Thúc đẩy và kiểm soát tốt thương mại điện tử; tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước. Phối hợp trong công tác điều hành bình ổn thị trường hàng hóa, nhất là mặt hàng như xăng dầu... Chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững như thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết.

Phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.