Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Việt

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2018 cũng như các năm tới, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa trong phát triển, đặc biệt quan tâm đến việc tái cơ cấu công nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Công Thương phải ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường; thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và đồng thời giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các kênh phân phối hàng hóa. 

Đặc biệt, phải có biện pháp để tìm ra giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến ở Việt Nam. Lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ ở tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà chủ yếu phải là tư nhân, hợp tác xã. Công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo điều hành thực hiện cao hơn các chỉ tiêu được giao năm 2018 được ghi trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Ông khẳng định: "Sẽ quy trách nhiệm cá nhân cho các tư lệnh là bộ trưởng, các tư lệnh là chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp… nếu không hoàn thành nhiệm vụ". 

"Chính phủ đã đưa ra phương châm “10 chữ” cho năm 2018 (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả). Vậy phương châm hành động của ngành Công Thương là gì để có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành Công thương nói riêng và nền kinh tế của cả nước nói chung? Phải chăng đó là đổi mới, đổi mới hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa”. - Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương cần đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn dài hạn. Cán bộ các cấp, các ngành cũng như ngay Bộ Công Thương phải vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, vượt qua tư duy e ngại khó khăn, thậm chí phải biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành khác một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt.

Đặc biệt, ngành Công Thương phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, trú trọng vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cụ thể hóa về thể chế, chính sách.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp. Chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường", tránh tạo ra thói làm ăn chụp giật, phải tạo môi trường đầu tư ổn định, bền vững, thống nhất. Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương cần nhìn tấm gương đi trước của các nước công nghiệp phát triển để rút ra những bài học chiến lược của Việt Nam giai đoạn tới.

Thủ tướng cũng lưu ý ngành Công Thương và doanh nghiệp nội đừng để thua trên sân nhà. “Nhân đây, tôi cũng nói về hàng Việt Nam chất lượng cao, nhiều đại biểu Quốc hội nói với tôi thế này: Ông phải nâng cao tâm thế, uy tín hàng Việt Nam để chiếm thị trường chứ không phải chỉ đơn giản yêu cầu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.