Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra sáng nay (2/10) trước thực trạng ô nhiễm môi trường một số đô thị lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo 2 thành phố lớn là TP HCM và TP Hà Nội báo cáo, giải trình, làm rõ thêm tình hình để sớm khắc phục hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo 2 thành phố lớn là TP HCM và TP Hà Nội báo cáo, giải trình, làm rõ thêm tình hình để sớm khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo TP HCM và TP Hà Nội báo cáo, giải trình, làm rõ thêm tình hình để sớm khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Những ngày qua, các chỉ số về môi trường ở 2 thành phố lớn nhất nước, đặc biệt Hà Nội ở mức kém. Bộ TN&MT nhận định nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội trong thời gian qua cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài vào thời điểm này. Nếu có nhu cầu ra ngoài, người dân cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội phải có những giải pháp căn cơ và cụ thể hơn khắc phục tình trạng ô nhiễm, không thể để ô nhiễm khiến người dân thủ đô bức xúc như vừa qua.

Trong đó, phải tính đến các giải pháp như di dời các nhà máy khỏi nội đô, hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, kiểm soát những xe cũ nát, phát triển hệ thống cây xanh...

Thủ tướng đặt vấn đề, khi di dời Nhà máy (vừa xảy ra cháy) của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông này thì xây nhà cao tầng nữa hay quy hoạch công viên cây xanh? Cho rằng Hà Nội đang quá nhiều nhà cao tầng, Thủ tướng lấy ví dụ, chỉ một đoạn đường Lê Văn Lương mà có 50 tòa cao ốc, như vậy là quá dày đặc.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều chỉnh quy hoạch chính là điều chỉnh một công trình khoa học, nhưng có tình trạng khi điều chỉnh quy hoạch lại chỉ do nhóm cá nhân thực hiện. Yêu cầu không được làm trái quy định, Thủ tướng cho rằng, cần có hội đồng kiểm soát chặt chẽ khi điều chỉnh quy hoạch.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thành phố Hà Nội khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay, đồng thời bố trí, đặt các trạm quan chắc hợp lý, mang tính đại diện hơn.

Cũng tại phiên họp, phân tích về nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, một nguyên nhân quan trọng là có quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng và lượng khí thải từ các phương tiện này rất lớn. 

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 1/10, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo một số giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó có việc cần khẩn trương hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm để đưa vào khai thác, vận hành.

Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp vận tải hành khách công cộng; giảm phương tiện cá nhân. Cùng với đó là  rà soát quy hoạch xây dựng, bố trí dân cư, phát triển các đô thị vệ tinh với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân.

Ông Vũ Đăng Định, người phát ngôn UBND TP Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Dẫn số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Định cho hay từ 13/9 đến nay chất lượng không khí ở Hà Nội tại nhiều thời điểm trong ngày kém, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn (PM2.5). 

"Chất lượng không khí ở mức kém gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vào thời điểm đó, nhóm nhạy cảm gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế ở bên ngoài", ông Định nói và thông tin thêm nếu phải ra ngoài người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để hạn chế ảnh hưởng.

Để cải thiện môi trường thủ đô, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, có tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải... 

Hà Nội cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, xử lý xe chở vật liệu xây dựng cho các công trình; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.