Việc bảo đảm một tỷ lệ cao người được tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc đóng vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát những nguy cơ đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng, từ đó giúp khôi phục đầy đủ các hoạt động kinh tế. 

Một hộp đựng lọ vaccine Pfizer đã sử dụng tại Mỹ. Ảnh: AP.

Một hộp đựng lọ vaccine Pfizer đã sử dụng tại Mỹ. Ảnh: AP.

Giới truyền thông đưa tin, trong 4 tháng đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mở rộng, nhu cầu vaccine tại Mỹ luôn vượt quá khả năng cung ứng. Tuy nhiên, một nghịch lý giờ lại xảy ra, đó là vaccine có thừa còn người tiêm thì lại thiếu. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, vẫn còn quá nhiều người đang mong mỏi được một liều vaccine. 

Theo tính toán, cần tới 70-85% dân số Mỹ tiêm vaccine mới tạo được kháng thể cộng đồng. Trong khi việc tiêm chủng vaccine ở tỷ lệ 50-60% tổng dân số như ở Anh và Israel đã làm được, sẽ giúp giảm đáng kể các số ca nhiễm COVID-19 và cho phép Mỹ kiểm soát được sự lây lan của virus.

Tính đến ngày 5/5, 32% tổng dân số (khoảng hơn 107 triệu người) Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ, trong khi số người được tiêm lần 1 là khoảng 47%. Đây là một phần trong chiến dịch mà Tổng thống J.Biden đã đề ra, đó là hoàn thành việc tiêm chủng vaccine mũi 1 cho khoảng 70% người trưởng thành đại diện cho 54% tổng dân số Mỹ vào ngày 4/7.

Với nước Mỹ, sau khi chật vật chống đại dịch COVID-19 với số ca mắc và ca tử vong vì bệnh này cao hàng đầu thế giới, nước Mỹ bắt đầu có dấu hiệu kiểm soát được tình hình dịch, với nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Những động thái của người đứng đầu Nhà Trắng được kỳ vọng là sẽ giúp Mỹ thể hiện được vai trò trong các vấn đề toàn cầu mà nổi bật là nỗ lực tiêm chủng ngừa COVID-19, vừa vì lợi ích của siêu cường số 1 thế giới, vừa vì lợi ích của nhân loại. 

Ước tính Mỹ thừa khoảng 300 triệu liều vaccine COVID-19 tính tới cuối tháng 7/2021.

Thành công của Mỹ trong việc tiêm vaccine cho người dân đã khiến nhiều nước khác ngưỡng mộ, ca ngợi. Theo báo cáo của Đại học Duke, ước tính Mỹ thừa khoảng 300 triệu liều vaccine COVID-19 tính tới cuối tháng 7/2021.

Vậy, nước Mỹ sẽ xử lý thế nào với số vaccine thừa này trong khi các quốc gia khác đang quá thiếu vaccine?

Trong buổi họp trực tuyến với thống đốc các bang ngày 11/5 vừa qua, Tổng thống J.Biden cho biết, gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông để đề nghị Washington hỗ trợ mua vaccine ngừa COVID-19.

“Mọi quốc gia trên thế giới đang nghĩ tới chúng ta để bổ sung cho tình trạng thiếu hụt năng lực sản xuất của họ hoặc để mua vaccine… Đúng là đã có gần 40% các nhà lãnh đạo trên thế giới gọi điện cho tôi và đề nghị chúng ta giúp đỡ họ” – ông J.Biden nói.

Tổng thống J.Biden khẳng định Mỹ sẽ cố gắng hỗ trợ các nước khác, song không nêu tên cụ thể những quốc gia đề nghị giúp đỡ.

Vắc xin COVID-19 có sẵn tại sân bay cho du khách, nhân viên sân bay và người dân từ sau ngày 10-5. Trong ảnh: tiêm vắc xin tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida, ngày 10-5 - Ảnh: AFP

Vaccine COVID-19 có sẵn tại sân bay cho du khách, nhân viên sân bay và người dân từ sau ngày 10/5. Trong ảnh: Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida, ngày 10/5 - Ảnh: AFP

Những người được tiêm chủng có nguy cơ rất thấp mắc COVID-19, thậm chí ngay cả khi bị nhiễm virus thì tình trạng bệnh cũng nhẹ hơn nhiều và ít có nguy cơ truyền virus cho người khác. 

Đối với Tổng thống Joe Biden, vaccine dư thừa có thể đóng vai trò là "phần thưởng" cho các đối tác của Mỹ, nhưng cũng là công cụ cần thiết cho y tế toàn cầu, có khả năng cứu sống hàng triệu người và giúp các nước trở lại cuộc sống bình thường.

Theo tiết lộ từ một quan chức Nhà Trắng, kế hoạch chia sẻ vaccine của Mỹ vẫn trong giai đoạn chờ hoàn thiện. Nó là chủ đề của các cuộc tranh luận chính sách bên trong Nhà Trắng và các cơ quan liên bang, liên quan đến Covax, các nhà sản xuất và chuyên gia hậu cần.

"Đất nước chúng ta sẽ trở thành kho vaccine cho phần còn lại của thế giới", Biden nói vào ngày 17/5, khi ông tuyên bố Mỹ cam kết chia sẻ nhiều liều hơn. Ông nói thêm rằng so với các quốc gia khác như Nga và Trung Quốc, những bên đã tìm cách tận dụng vaccine để nâng cao vị thế trên trường quốc tế, "chúng tôi sẽ không sử dụng vaccine để các quốc gia khác phải báo đáp".

Xét quan hệ đối tác với quân đội Hàn Quốc cho thấy Mỹ có khả năng sử dụng kho vaccine để mang lại lợi ích cho một số đồng minh khá giả của mình. Không rõ liệu Hàn Quốc có cần trả tiền cho số vaccine từ Mỹ hay không. Hầu hết các liều vaccine dự kiến được tặng miễn phí.

Samantha Power, lãnh đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tuần trước nói tại Đồi Capitol rằng Mỹ nhiều khả năng "chia sẻ 75% liều dư thừa thông qua Covax. 25% còn lại sẽ được dự trữ để có thể triển khai song phương". Các quan chức chính quyền nhấn mạnh rằng Biden chưa chốt kế hoạch và mọi thứ vẫn có thể thay đổi.

Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado ngày 2/6, ông Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung vào vấn đề phân phối đồng đều vaccien và không có sự ràng buộc chính trị nào với quy trình này. Trước đó, ông Biden tuyên bố Washington sẽ cung cấp ít nhất 20 triệu liều vaccine  Pfizer/BioNTech, Moderna và J&J, cộng thêm 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước.

“Có thể trong vòng 2 tuần tới, chúng tối sẽ công bố quy trình phân phối và xuất khẩu những vắc-xin đó”, ông Blinken nói trong chuyến công du đầu tiên đến Mỹ Latin, khu vực đang vật lộn với dịch COVID-19.

Khi được hỏi liệu ông Blinken có đưa ra cam kết vaccine nào trong chuyến thăm Mỹ Latin, cụ thể là Costa Rica lần này hay không, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói rằng Washington chưa có cam kết cụ thể với khu vực hay quốc gia nào.

Ngày 30/5 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để trao đổi về quan hệ hai nước, đặc biệt là tăng cường hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong bức thư, Chủ tịch nước hoan nghênh và cảm ơn Hoa Kỳ đã là bên đóng góp lớn khi cam kết tài trợ 4 tỷ đô la Mỹ cho Sáng kiến Tiếp cận Toàn cầu Vaccine COVID-19 (COVAX) và thông báo với Tổng thống Joe Biden việc Việt Nam đã nhận 2 đợt Vaccine với khoảng 2,5 triệu liều từ sáng kiến này. COVAX thực sự là sự hỗ trợ quý báu đã kịp thời giúp Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển trong xử lý dịch bệnh khi nguồn cung Vaccine quốc tế còn khan hiếm.

Chủ tịch nước cũng hoan nghênh việc Hoa Kỳ cam kết sẽ đóng góp thêm 80 triệu liều Vaccine ngừa COVID-19 cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh dịch COVID-19 ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đang có những diễn biến rất phức tạp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước về nguồn cung Vaccine; đồng thời đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ Vaccine ngừa  COVID-19 .

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ  và tin tưởng rằng trên tinh thần hợp tác hữu nghị, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.