>> Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Động lực mới từ nền tảng quan hệ vững chắc

Điều phối phiên thảo luận về “hợp tác thương mại Việt – Mỹ” tại Diễn đàn “Thúc đẩy Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, bà Bùi Kim Thuỳ, Đại diện cấp cao tại Việt Nam – Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho biết, nền kinh tế Hoa Kỳ có 3 trụ cột lớn, trong đó quan trọng nhất là kinh tế số, được biểu hiện bởi kết nối số và an ninh mạng.

Bà

Bà Bùi Kim Thuỳ, Đại diện cấp cao tại Việt Nam – Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (thứ nhất từ phải sang) điều phối phiên thảo luận về hợp tác thương mại Việt-Mỹ.

“Chắc chắn, kinh tế số không chỉ là trụ cột của kinh tế Hoa Kỳ mà còn là hiện tại và tương lai của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam”, bà Bùi Kim Thuỳ nhấn mạnh.

Trụ cột thứ hai là trụ cột năng lượng, trong đó tập trung vào năng lượng xanh, sạch và năng lượng tái tạo.

Thứ ba là trụ cột hạ tầng, trong đó có thương mại liên quan các sản phẩm hữu hình mà có thể đánh thuế quan. Trụ cột thương mại được thể hiện thông qua rất nhiều hiệp định mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã tham gia thời gian qua.

“Rất đáng tiếc khi CPTPP “vắng bóng” của Hoa Kỳ nhưng chúng ta đều có quyền kỳ vọng vào tương lai, kỳ vọng vào những thoả thuận về thương mại số giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, giữa Hoa Kỳ và ASEAN”, Đại diện cấp cao tại Việt Nam USABC nhấn mạnh.

Trao đổi về các cơ hội và thách thức liên quan thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là thương mại số, ông Nguyễn Thắng Vượng, Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương chia sẻ, định hướng chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden có xu hướng “đảo ngược” các chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump, theo đó, họ cẩn trọng và thận trọng hơn, ít gây “sốc” hơn với các đối tác thương mại.

ông Nguyễn Thắng Vượng, Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương

ông Nguyễn Thắng Vượng, Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương

“Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng phát tín hiệu sẽ ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương, tạo động lực cho nền kinh tế Hoa Kỳ đang được cho là trì trệ trong quá trình phát triển. Đặc biệt khi họ đang có các lợi thế về các doanh nghiệp số lớn như Google,…, chính quyền Hoa Kỳ có thể sẽ gây các sức ép cho các đối tác mở cửa thị trường số”, ông Nguyễn Thắng Vượng nhận định.

Đồng thời, cũng theo Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng sẽ kế thừa tính giám sát thị trường tiền tệ đối với các đối tác lớn của Hoa Kỳ. Về thương mại, các đối tác của Hoa Kỳ sẽ có thể phải “nhượng bộ” trong quá trình đàm phán.

Về việc có hay không Mỹ sẽ quay lại CPTPP, ông Vượng cho biết hiện chưa thấy Hoa Kỳ có tín hiệu quay lại Hiệp định này. “Thay vào đó, Hoa Kỳ có xu hướng tập trung đàm phán các thoả thuận tập trung trong vài ngành cụ thể như hình mẫu về Hiệp định kinh tế số giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản…”, ông Nguyễn Thắng Vượng phân tích.

Đáng lưu ý, nói tới tác động của những định hướng này của chính quyền Hoa Kỳ tới Việt Nam, Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết, thống kê 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch trao đổi hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 73 tỷ USD, dự báo cả năm con số kim ngạch hai chiều có thể đạt 100 tỷ USD. 

“Hiện đây là thị trường có sức tăng trưởng số 1 của Việt Nam, do đó, tới đây cần có những định hướng tập trung vào một số ngành có triển vọng dài hạn như năng lượng, hàng không, hạ tầng…tạo động lực phát triển”, ông Vượng nhận định.

Còn trong ngắn hạn, ông Vượng cho rằng, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tại Hoa Kỳ, do đó chỉ số kinh tế và tiêu dùng của Hoa Kỳ có sự phục hồi, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng thẳng thắn, khi chúng ta mở rộng quan hệ ngày càng sâu rộng với đối tác lớn mạnh hơn chúng ta như Hoa Kỳ thì thách thức sẽ càng lớn.

Cụ thể, thách thức thứ nhất, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden có chính sách kế thừa chọn lọc của Tổng thống Trump trong việc tạo áp lực lớn tới các đối tác trong quá trình đàm phán thì Việt Nam sẽ có những lưu ý cần phải theo dõi thận trọng.

Tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 7,3 tỷ USD tổng giá trị, ngược lại chúng ta nhập khẩu trên 300 triệu USD nguyên liệu gỗ từ Mỹ để chế biến theo chiều sâu. Do ảnh hưởng dịch nên tăng trưởng xuất khẩu kỳ vọng không đạt được 10 tỷ USD mà chỉ có thể xuất khẩu được 8 tỷ USD sang Hoa kỳ - ông Ngô Sĩ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Lâm sản Việt Nam

Bên cạnh đó, trong quan hệ song phương của Việt Nam và Hoa Kỳ, có khoảng cách giữa yêu cầu và khả năng đáp ứng, do đó cần tập trung khắc phục thời gian tới.

Thứ ba, trong quá trình đàm phán các hiệp định, Hoa kỳ luôn coi Việt Nam là đối tác thương mại đang hưởng lợi từ các bất ổn toàn cầu, do đó, cần tính toán kỹ lưỡng và cân đối khi giao thương hai nước.

Đồng quan điểm, nói về những thách thức từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Sĩ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Lâm sản Việt Nam cho biết,  một số trở ngại của doanh nghiệp ngành gỗ khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cụ thể, thứ nhất về nguyên liệu gỗ.

“Phía Hoa Kỳ rất quan tâm đến tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đại diện chính phủ 2 nước đã ký bản thỏa thuận đảm bảo nguồn nguyên liệu để chế biến sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ là nguồn hợp pháp”, ông Hoài chia sẻ.

ông Ngô Sĩ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Lâm sản Việt Nam

ông Ngô Sĩ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Lâm sản Việt Nam

Về giá cước vận tải gỗ Việt Nam – Hoa Kỳ tăng mạnh, nguồn nguyên liệu đầu vào nhập từ Hoa Kỳ cũng tăng nhưng khó khăn này là tạm thời.

453 triệu đôi giày dép của Việt Nam được xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm 2020, trong đó Mỹ chiếm 34%, nên thị trường Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất. Triển vọng xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng trưởng 20%/năm,- bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam

“Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam và ngược lại kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng mạnh. Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu nhiều sản phẩm gỗ nhất sang thị tường Hoa Kỳ. Đối với nguyên liệu nhập từ Mỹ, Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ hai sau Trung Quốc trong việc nhập khẩu. Trong tương lai, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam có thể sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lâm sản Việt Nam chia sẻ thêm.

Lưu ý thêm về những thách thức khi doanh nghiệp tiến sâu vào thị trường Hoa Kỳ, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ là một thị trường rộng lớn với hơn 300 triệu dân.

bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam

bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam

“Các đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ rất lớn, do vậy, các doanh nghiệp có năng lực, quy mô đủ lớn mới đáp ứng được. Đây là hạn chế khi chúng ta không đáp ứng được đơn hàng đó”, bà Pham Thị Thanh Xuân chia sẻ.

Cùng với đó, các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ phải đáp ứng các chứng chỉ gây ảnh hưởng đến năng lực của các DNNVV.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam cho biết, người tiêu dùng Hoa Kỳ chỉ thích dùng các thương hiệu, điều này buộc Việt Nam thông qua các nhãn hàng nổi tiếng để xuất hiện tại thị trường này.