>> Thấy gì từ việc hàng trăm cán bộ ngành Y bỏ việc?

Sau đại dịch COVID-19, ngành Y tế rơi vào khủng hoảng về vấn đề nhân lực bỏ việc, thiếu trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế... như vết thương nhiễm trùng làm sưng đau ngành Y tế, nặng nề hơn cả hội chứng hậu COVID-19 của người dân.

COVID-19 xét nghiệm ngành Y tế, kết quả trả ra là dương tính với các chứng bệnh trọng như: Tham nhũng, độc quyền, thiếu minh bạch, đạo đức xuống cấp, bổ nhiệm nhân sự theo ý lãnh đạo, chế độ làm việc, lương bổng cho cán bộ, nhân viên chưa tương xứng...

Hiện tượng chảy máu chất xám bác sĩ, y sĩ, y tá từ các cơ sở bệnh viện công lập diễn ra ồ ạt. Điều này cũng bình thường thôi bởi họ đang “trông về tương lai rơi nước mắt, nhìn lại quá khứ toát mồ hôi, còn hiện tại thì… dặt dà, dặt dẹo”.

Vẫn biết mọi công việc điều có sự vất vả đặc thù, nhưng phải thừa nhận học y vất vả tốn kém, công sức, thời gian tiền bạc hơn nhiều ngành khác. Học 6 năm ra thì 18 tháng thực tập không lương. Làm con tính đơn giản chắc chả ai cho con theo học ngành Y nữa. Cha mẹ mong mỏi đầu tư cho con học bác sĩ, sớm mở mày mở mặt thoát nghèo, ai ngờ “mèo vẫn hoàn mèo”.

Với ngành Y, ra trường đi làm làm rồi càng phải học nhiều hơn, chứ không giống ngành khác, học xong là đi làm, kiếm tiền. Môi trường làm việc áp lực, độc hại, trực ca kíp, cấp cứu… người nhà bệnh nhân thì đủ thành phần, người có quyền lực, quen biết, tiền bạc..., cả lưu manh côn đồ - có kẻ đã từng lao vào hành hung cả người đang cứu chữa tính mạng người nhà của chính mình.

Lực lượng y tế làm việc không kể ngày hay đêm trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Hải Ngân

Cuối tháng nhận lương, họ đầy ngậm ngùi khi thấy công sức, trí tuệ, sức lực, cố gắng của mình thật rẻ mạt. Người làm ngành Y là người có cung nô bộc mang sứ mệnh cứu chữa, chăm sóc người khác. Họ vượt khó khăn theo nghề với cả lý tưởng, đam mê. Bác sĩ giỏi mà không mở phòng khám tư, hay bắt tay ăn “hoa hồng” thì lương chỉ hơn công nhân làm trong khu công nghiệp. Ở thành phố còn như vậy, chứ ở vùng sâu vùng xa, mức lương như con rùa núi mãi không bò qua được mô đá ven bờ suối, cứ quanh quẩn buồn bã với cuộc đời.

Con cái, gia đình, gánh nặng mưu sinh bắt họ phải thay đổi. Học xong ra trường làm việc tại bệnh viện công, danh thì tự hào nhưng danh ấy không nộp thay được học phí cho con, hay phụng dưỡng được cha mẹ già, không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Lời khen, động viên, giấy khen, nghị quyết, chủ trương nghe rất êm tai nhưng chẳng mài ra ăn được.

>> Ngành Y tế và cuộc đại phẫu không thuốc tê

>> Ngành Y hậu COVID-19: Nhân sự và trách nhiệm

>> >>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"

>>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 2): Lộ diện … phần chìm của tảng băng

>> “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu

>> “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

Chính sách lương, thưởng với đội ngũ y, bác sĩ hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: Hải Ngân

Khó khăn là vậy, nhưng họ lựa chọn ra đi không hẳn bởi sự khó khăn, mà vì họ chán. Ở lại làm gì khi lãnh đạo giờ ngồi như đống lửa đợi công an bắt, cán bộ thì tùy nghi di tản. “Binh bại như núi lở”, trên đổ như thế thì dưới còn đâu ra tâm trí tập trung làm việc. Thế nên trong 18 tháng đã có gần 900 nhân viên y tế Hà Nội nghỉ việc, ở TP HCM và các nơi khác cũng đang nghỉ việc rầm rộ, trong khi dịch COVID-19 chưa hết hẳn, đậu mùa khỉ, chân tay miệng, sốt xuất huyết cùng các bệnh do cao điểm nắng nóng làm số người bệnh cần chăm sóc, điều trị tăng cao.

Người có chuyên môn cao di tản đến khối Y tế tư nhân. Ở đây họ được trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc sạch sẽ, hiện đại, chuyên nghiệp, tâm lý thoải mái.

Chính phủ đang quyết liệt ra tay ngăn chặn cảnh “chảy máu chất xám” ngành Y. Thủ tướng ra thông cáo báo chí yêu cầu triển khai các hạng mục công việc cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn. Mong sao chỉ đạo được thực hiện “luôn và ngay” bằng công văn chữ ký, con dấu đỏ, quy định cụ thể, để tiền lương hàng tháng đủ cho họ nở nụ cười rồi tận lực cống hiến.

Các nhân viên y tế cũng nên suy nghĩ về điều này, lúc khó khăn mà ở lại thì sự đánh giá chắc chắn sẽ rất cao. Chính hệ thống trường công lập của Bộ Y tế đào tạo ra họ. Cây trồng lên đang mong chờ ngày hái quả. Tất nhiên, mọi thứ phải đến từ cả hai chiều. Tương lai thì xa xôi còn hiện tại lại nhiều nhu cầu, cám dỗ. Ở các nước phát triển, bác sĩ, y sĩ là nghề được xã hội nể trọng có thu nhập rất cao. Việt Nam giờ có cảnh “đầu tường y sĩ trông xe, cuối đường y tá bán chè đỗ đen”.

Chủ trương có rồi, chính sách mới sẽ là liều thuốc làm liền miệng vết thương cho ngành Y tế, khuyến khích thế hệ kế tiếp theo đuổi nghề cao quý này. Xin hãy thực thi thật nhanh chính sách với các bước đi linh hoạt, nhanh nhất, bởi nếu cứ cân đong đo đếm, đem đủ điều nọ, luật kia ra gây khó khăn thì “chờ được vạ, má đã sưng”. Nhân sự tháo chạy, nguồn bổ sung hết lúc ấy thì lại giá thế nọ, thế kia.

Mong lắm người làm chính sách, người kế tiếp đứng đầu ngành Y có ngay sự điều chỉnh nhằm giữ chân lực lượng nhân sự Y tế quý giá. Vì xét cho cùng, dù thuốc có tốt, thiết bị có hiện đại đến đâu thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người - người có thể cắt thuốc và điều khiển trang thiết bị để cứu người.