sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước còn thấp

Sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước còn thấp

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện. Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và Quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa.

Yếu và thiếu nhà cung cấp

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước còn thấp. Thống kê sơ bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2017 là hơn 322 ngàn xe, trong đó số lượng ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi là gần 130 ngàn xe, số lượng ô tô khách và ô tô tải là gần 118 ngàn xe, số lượng các loại xe khác là gần 70 ngàn xe.

Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi chưa cao, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Lý giải về nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô chưa phát triển được, Bộ Công Thương phân tích, bởi điều kiện cần về quy mô thị trường chưa được đáp ứng. Khu vực ASEAN đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ ô tô lớn trên thế giới. Trong ASEAN, có năm quốc gia sản xuất, lắp ráp ô tô gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Công nghiệp ô tô tại mỗi quốc gia có đặc điểm, điều kiện phát triển khác nhau. Các nước ASEAN 4 đã có trên 30-40 năm phát triển, đặc biệt từ giữa những năm 1980 khi làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vào khu vực ASEAN tăng mạnh, trong khi đó công nghiệp ô tô của Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây.

Mặt khác, hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150. Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…

Cần hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm          

Mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, giai đoạn đến năm 2020 được Bộ Công Thương đưa ra thì, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng xấp xỉ 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Và đến giai đoạn 2026 - 2035, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới, đáp ứng trên 65% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Cần các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN

Cần các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN

Để đạt những mục tiêu trên, nhiều giải pháp cụ thể được đưa ra, đó là phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn. Cụ thể, tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây và tương lai.

Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô trong nước so với ô tô nhập khẩu.

Còn về dài hạn, có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.

Cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP với thuế suất nhập khẩu một số linh kiện CKD (linh kiện được nhập khẩu) bằng 0%, tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ để sản phẩm ô tô sản xuất trong nước có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu. Vì vậy, Thaco đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước để khuyến khích công nghiệp hỗ trợ phát triển và giảm giá xe cho người tiêu dùng.

Đồng thời, đề xuất Chính phủ có các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, đúc kết kinh nghiệm từ quá trình phát triển của mình - một trong những doanh nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ của đất nước, Thaco cho rằng, các doanh nghiệp ô tô và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần đẩy mạnh liên kết trong chuỗi sản xuất nhằm hợp tác, phân công sản xuất, tận dụng các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau để cùng phát triển, tạo thế cạnh tranh.

Ông Vũ Huy Chỉnh - Công ty TNHH ô tô Đông Hải: Lao động thiếu kỹ năng đang cản trở các DNNVV liên kết với doanh nghiệp FDI

Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam khác nhau giữa ba phân khúc quan trọng nhất: xe máy, ô tô con, và dòng xe thương mại. Tỉ lệ nội địa hoá của các dòng xe thương mại (xe buýt và xe tải) cũng đang tăng lên: 30% đầu vào được mua trong nước (đặc biệt là động cơ, hệ thống truyền động và hộp số, 70% đầu vào cho các bộ phận điện của xe và toàn bộ khung xe được sản xuất trong nước. 

Tuy nhiên, sản xuất lắp ráp ô tô con không phát triển mạnh mẽ được như xe máy hay dòng xe thương mại do phụ thuộc nặng nề vào phụ tùng, linh kiện nhập khẩu (mặc dù một số bộ phận đơn giản và thâm dụng lao động như ghế ô tô đã được sản xuất trong nước), đặc biệt là các phụ tùng, linh kiện phức tạp như: động cơ và hộp số thường được nhập khẩu từ các chi nhánh của công ty mẹ hoặc từ các nhà cung cấp nước ngoài. Tỉ lệ nội địa hoá chỉ chiếm khoảng từ 10 đến 20% so với 45% của Thái Lan.  Giá trị gia tăng được tạo ra ở các giai đoạn giá trị gia tăng thấp, bao gồm lắp ráp, hàn và sơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp các chi tiết có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động như lốp, ắc quy và dây điện (trong đó sản xuất dây điện đã phát triển đáng kể nhưng các bộ phận khác thì không). Nhìn chung, có khoảng 200-300 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ôtô, phần lớn là các DNNVV với năng lực sản xuất và công nghệ thấp.

Thực tế, những trở ngại mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong ngành công nghiệp ô tô cho thấy việc thiếu lao động lành nghề, thiếu thông tin về chiến lược và tiêu chuẩn tìm nguồn cung ứng của các doanh nghiệp FDI là những rào cản, hạn chế đối với các nhà cung cấp trong nước.

Mặt khác, các DNNVV thừa nhận rằng lực lượng lao động thiếu kỹ năng đang cản trở các DNNVV liên kết và bảo đảm quan hệ kinh doanh với FDI. Hạn chế này là chung cho tất cả các ngành, mặc dù có một số loại kỹ năng cụ thể do các ngành cụ thể yêu cầu.

Có một số lý do giải thích được việc thiếu lao động lành nghề. Thứ nhất, điều này có thể được bắt nguồn từ cấu trúc quản trị của các công ty nước ngoài lớn (đặc biệt là các OEM), thường được đặt ở nước ngoài và thực hiện các hoạt động có giá trị gia tăng ở nước ngoài. Sự "không kết nối" này với nền kinh tế trong nước dẫn đến việc thiếu cơ hội “vừa làm vừa học” của các doanh nghiệp trong nước, mặc dù vẫn có thể có những trường hợp thành công trong việc học hỏi kỹ năng giữa các DNNVV và FDI. Một vấn đề nữa là hệ thống giáo dục trong nước không thể theo kịp nhu cầu của môi trường kinh doanh phát triển nhanh. Ví dụ, tiếng Nhật là một kỹ năng được đặc biệt tìm kiếm khi Việt Nam gần đây đã trở thành nhà xuất khẩu dịch vụ phần mềm lớn thứ hai trên thế giới đến Nhật Bản.

Đại diện Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO): Cần có chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn

Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đã được Chính phủ đề ra trong quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014.

Ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp công nghệ cao và là động lực kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ khác như: Cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, thiết bị tự động hoá… Công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế đất nước, không những hỗ trợ cho phát triển công nghiệp ô tô mà còn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp khác, góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Như chúng ta đều biết, R&D đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất ô tô, đây là một trong những công đoạn tạo giá trị gia tăng cao nhất, do đó THACO tiếp tục đầu tư nâng cấp Trung tâm R&D nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm ô tô;

Đồng thời, chuyên biệt hoạt động R&D linh kiện phụ tùng ô tô, mở rộng nghiên cứu phát triển thêm các thiết bị cơ giới nông nghiệp, cơ khí xây dựng và thiết bị cơ khí công nghiệp khác.