Singapore có một tên gọi ít người biết: "Little Red Dot" (tạm dịch: Một dấu chấm đỏ). Quốc đảo sư tử bé đến mức trên bản đồ thế giới, người ta không thể vẽ biên giới quốc gia mà chỉ là một dấu chấm đỏ rất khó nhìn thấy. 

Khi Singapore được chọn làm nơi gặp gỡ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái, trên Google Search, câu hỏi "Singapore nằm ở đâu?" lập tức lọt vào top tìm kiếm.

Là một quốc gia ở Đông Nam Á, cách Singapore chỉ vài giờ bay, Việt Nam đã được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2. Điều này được xem là một sự kiện tạo ra bước ngoặt lịch sử, đem lại cho Việt Nam những lợi ích vô giá, mà thông qua đó, những giá trị chiến lược đặc sắc của Việt Nam có thể quảng bá rộng rãi ra thế giới.

Cơ hội nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới

Singapore là một quốc gia đã “có tiếng tăm” trên thế giới, trong khi đó, Việt Nam vẫn là một quốc gia nhỏ bé, chưa thực sự "có thương hiệu". Do vậy, Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội lần này tạo ra bước ngoặt nhận thức chưa từng có của thế giới về Việt Nam.

Tại buổi Họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, đây là sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng trong năm 2019 của Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của khu vực và quốc tế. “Qua dịp này, Việt Nam muốn tăng cường vai trò không chỉ của Việt Nam mà còn của cộng đồng ASEAN trong đời sống quốc tế hiện nay. Việt Nam mong muốn giới thiệu về những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện trong nhiều thập kỷ qua, giới thiệu về đất nước, Thủ đô Hà Nội có nhiều năm văn hiến, đặc biệt năm nay đúng 20 năm được nhận danh hiệu Thành phố vì hoà bình của UNESCO”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Khoảng 2.600 phóng viên nước ngoài đến Việt Nam là kênh tiếp thị hình ảnh Việt Nam đến với thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Khoảng 2.600 phóng viên nước ngoài đến Việt Nam để tác nghiệp nhân dịp này. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị lần này, có thể thấy quốc tế đã đánh giá cao và cho rằng Hà Nội - Việt Nam được lựa chọn vì đây là một thành phố có nhiều thuận lợi, nhiều ý nghĩa. Việt Nam đã thể hiện được khả năng của mình thông qua việc Hà Nội đã tổ chức những sự kiện quốc tế lớn và những chuyến thăm song phương của các nước.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã tham gia không ít sự kiện lớn mang tầm cỡ khu vực, tổ chức thành công các sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc tế như Hội nghị cấp cao Francophonie lần thứ 7 (năm 1997), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI (năm 1998), Hội nghị cấp cao Á – Âu ASEM 5 (năm 2004), APEC 14 (năm 2006), APEC 2017… Qua đó Việt Nam dần trở thành địa điểm tổ chức sự kiện quốc tế đáng tin cậy. Điều này dường như đã gây ấn tượng rất tốt đối với Tổng thống Trump.

Và một điểm hết sức thú vị, là việc Triều Tiên xem Việt Nam như một mô hình để cải cách kinh tế. Xét trên bình diện chính trị, với mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, có lẽ Trung Quốc mới là mô hình kinh tế mà Triều Tiên mong muốn học hỏi. Nhưng Triều Tiên lại muốn phát triển kinh tế theo mô hình của Việt Nam. Chuyên gia Junya Ishii tại Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản, lý giải do Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh, quá nóng nên mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ thích hợp hơn với Triều Tiên.

Chương trình cải cách kinh tế "Đổi mới" ra đời năm 1986 của Việt Nam được cho là có khá nhiều điểm tương đồng với chính sách cải cách và mở cửa kinh tế năm 1978 của Trung Quốc. Chương trình cải cách này dựa trên ý tưởng chính là đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời vẫn đảm bảo được sự ổn định của hệ thống chính trị.

Thêm vào đó, Việt Nam có hướng đi riêng trong việc thiết lập các hiệp định thương mại tự do. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Việt Nam đã có 12 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong khi Trung Quốc mới có 17 hiệp định dù gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) trước 6 năm. Việt Nam không ngần ngại đàm phán thương mại tự do với các nước phát triển.

Từ tiềm năng du lịch đến thu hút đầu tư

Những ngày này, hàng tỷ người trên thế giới đang hướng về Việt Nam để theo dõi nhất cử nhất động của Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên, từ các chính khách, doanh nhân, những người mong mỏi hòa bình lâu dài, không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà đây còn là hình mẫu cho việc giải quyết các vấn đề liên quan tới lợi ích chính trị, kinh tế…

Chắc chắn hình ảnh Việt Nam sẽ được nhắc nhiều, liên tục, thậm chí là trực tiếp trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Đây là cơ hội rất quý báu để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Sự kiện lớn này đã tạo động lực mới cho Việt Nam để tham gia sâu rộng hơn vào chính trường thế giới. Việt Nam cũng có thể củng cố và nâng cao vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này được xem là cơ hội lớn để Hà Nội quảng bá hình ảnh, tăng tốc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong thu hút và sử dụng FDI, trong đó Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính lũy kế đến hết năm 2018, Hà Nội đã thu hút trên 36,55 tỷ USD vốn FDI.

Mục tiêu tổng quát trong năm 2019 của Hà Nội là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển hạ tầng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện mạnh mẽ về cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Trong thời gian tới, Hà Nội định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Các khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 - 2030 do Công ty tài chính quốc tế IFC đã đưa ra các khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI giai đoạn 2020 – 2030 cho Việt Nam, theo đó Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, tập trung vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.

Đây cũng là mục tiêu, lộ trình thu hút vốn FDI của Hà Nội trong thời gian tới. Đặc biệt, Hà Nội xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm, tập trung vào 3 khu vực lớn là: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản – Hàn Quốc. Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung thu hút vốn FDI từ các tập đoàn lớn, từ đó kéo các doanh nghiệp nhỏ của nước ngoài sang đầu tư tại Hà Nội.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – TS. Vũ Tiến Lộc nhận định: "Hà Nội, với một thị trường tiềm năng, kinh tế ngày một phát triển, nơi tập trung của những doanh nhân tư nhân hàng đầu, Hà Nội chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho đội ngũ trí thức nhân lực cũng rất tốt, rất có khả năng sẽ hình thành “Silicon Valley”, cũng như Singapore đã tận dụng rất thành công sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 để thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn…".