Bộ Thông tin truyền thông vừa trình Dự thảo Nghị định bổ sung sửa đổi một số điều của Nghị định 52/2013 – NĐCP với mục đích ngăn chặn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trôi nổi trên thị trường được giao dịch mua bán và giới thiệu trên một số sàn thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam.

Muốn công tác quản lý giao dịch mua bán qua mạng được chặt chẽ và hiệu quả hơn thì cần phải áp dụng những biện pháp kĩ thuật để quản lý những giao dịch mua bán.

Muốn công tác quản lý giao dịch mua bán qua mạng được chặt chẽ và hiệu quả hơn, thì cần phải áp dụng những biện pháp kĩ thuật để quản lý những giao dịch mua bán.

Không thể phủ nhận về vai trò, tác dụng tích cực của thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nó vừa góp phần nâng cao năng suất lao động trong giao dịch thương mại và chất lượng phục vụ khách hàng thông qua các hình thức B2B và B2C trên thị trường.

Mới xử lý phần nổi của “tảng băng chìm”

Thương mại điện tử cũng góp phần tăng tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Mục tiêu khá rõ ràng, đó là đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua sắm bình quân đạt khoảng 600 USD/người/năm. Tiêu dùng bán lẻ trên thương mại điện tử tăng 25%/năm.

Tuy nhiên, quan sát việc hoạt động giao dịch của các trang thương mại điện tử cho chúng ta thấy, vẫn có tới gần 80% giao dịch được thực hiện theo phương thức “tiền trao cháo múc”, với lý do là sự tin tưởng trong quan hệ mua bán chưa được đề cao.

Một dẫn chứng thực tế cho sự không tin tưởng này là trong giai đoạn chống dịch COVID-19 vừa qua đã xảy ra liên tiếp những vi phạm pháp luật trong mua bán các sản phẩm chống dịch. Cụ thể, trong tháng 2 và 3/2020, Cục thương mại Điện tử và kĩ thuật số cho biết, đã rà soát 463.865 gian hàng với 1.755.559 sản phẩm và đã xử lý 5.200 gian hàng và 21.000 sản phẩm vi phạm.

Một số sàn vi phạm điển hình về bán hàng khẩu trang/khẩu trang y tế như Sendo.vn với 400 gian hàng và 4000 sản phẩm vi phạm Còn Shopee.vn với 3.000 gian hàng và 3.500 sản phẩm vi phạm. Các sàn thương mại điện tử khác cũng lác đác có những vi phạm bị xử lý sau rà soát.

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường cả năm 2019 đã kiểm tra 2403 vụ và xử lý 2213 vụ vi phạm, xử phạt 16 tỷ đồng và hàng hóa bị xử lý trị giá là 441 tỷ đồng. Trong thực tế thì những vi phạm về bán hàng qua mạng chắc chắn sẽ lớn hơn những số liệu đã thu thập được trong các thời kỳ, chúng ta mới kiểm tra và xử lý được phần nổi của “tảng băng chìm” bán hàng qua mạng.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), mỗi năm Cục này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 50% liên quan đến việc giao dịch mua bán trên các trang mạng, bao gồm các hiện tượng bán hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua bán không có chứng từ hóa đơn.

Các trang mạng vi phạm đã quảng cáo sai sự thật, và gây hiểu lầm về xuất xứ hàng hóa cho khách hàng... Nhiều hiện tượng các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử không có địa điểm kho hàng cố định, chỉ thông tin giao dịch và bán hàng cho khách, sau đó có thể đánh sập mạng để xóa dấu vết.  

Có trường hợp tổ chức bán hàng qua mạng mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thanh toán thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty bán tên miền. Ở đây cũng cần nói rõ thêm, những sai trái của việc bán hàng qua mạng nêu trên có lỗi một phần từ người tiêu dùng do ham giá rẻ, sính hàng ngoại, các hàng nhái có thương hiệu nổi tiếng… nên họ vô tình đã “tiếp tay” cho việc vi phạm pháp luật kinh doanh này. Việc bán hàng trên các trang mạng xã hội như Facebook thì hiện nay chưa có đại diện pháp luật ở Việt Nam, chính vì vậy việc kiểm tra xử lý cũng còn có nhiều khó khăn.

Không thiếu văn bản, cái cần là tổ chức thực hiện

Một vi phạm đặc biệt về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đó là từ 1/6/2019, Lazada tuyên bố Người tiêu dùng không được bóc kiểm tra hàng trực tiếp khi nhận hàng. Không chỉ riêng Lazada vi phạm mà còn có cả Shopee. Điều ngạc nhiên là việc công khai vi phạm này đã gần một năm qua nhưng chưa thấy Cục Quản lý cạnh tranh, Hội Bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng và xử lý triệt để, gây bức xúc cho dư luận.

Tình hình trên thị trường nội địa hiện nay không chỉ có những vi phạm đối với những doanh nghiệp bán hàng trực tiếp ở một số chợ, siêu thị, cửa hàng, ở một số hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm mà còn xảy ra trên các giao dịch mua bán trên các nền tảng kĩ thuật số.

Tình hình này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần đề xuất những quy định chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm minh các vi phạm đang diễn ra thường xuyên hàng ngày trên thị trường mà người tiêu dùng đang phải chịu đựng. Chính vì vậy, việc sửa đổi Nghị định 52/CP từ năm 2013 là việc làm hết sức cần thiết và đáng hoan nghênh.

Ở đây cần nhấn mạnh, mặc dù đã có văn bản pháp luật điều chỉnh bổ sung nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện của các cơ quan chấp pháp được giao nhiệm vụ. Thời gian tới, phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng ở biên giới hải đảo và trong nội địa, cần xây dựng lực lượng kiểm soát trong sạch, vững mạnh, đủ sức thực hiện các nhiệm vụ được giao để tìm ra những ổ buôn lậu, gian lận thương mại trên các trang thương mại điện tử để nghiêm trị, khuyến khích những trang thương mại điện tử làm ăn nghiêm túc.

Vì quyền lợi của người tiêu dùng và thực hiện đúng nghĩa vụ với ngân sách, thực hiện tốt việc mua bán có chứng từ, hóa đơn, nối mạng các máy chủ của các sàn giao dịch thương mại điện tử với cục thuế địa phương một cách thường xuyên, liên tục.

Muốn công tác quản lý giao dịch mua bán qua mạng được chặt chẽ và hiệu quả hơn thì cần phải áp dụng những biện pháp kĩ thuật để quản lý những giao dịch mua bán. Nếu làm tốt những vấn đề trên chính là giảm bớt những trăn trở của cơ quan quản lý nhà nước và nỗi lo người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.