>> Tiền Giang: Doanh nghiệp thay đổi để phát triển bền vững

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở Tiền Giang giai đoạn 2022- 2026 và năm 2022.

 Với việc thu hút được các nhà đầu tư lớn, trong những năm gần đây diện mạo đô thị Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc.

Với việc thu hút được các nhà đầu tư lớn, trong những năm gần đây diện mạo đô thị Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc.

Đa dạng hoá đầu tư

Quyết định này cũng nhằm hiện thực hoá một trong những mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra là tập trung phát triển các đô thị trung tâm, thúc đẩy đô thị hóa, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu rất cụ thể về diện tích nhà ở bình quân đầu người, đến năm 2026, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 33,7m2 sàn/người (trong đó: Khu vực đô thị 32,3m2 sàn/người, khu vực nông thôn 33,9m2sàn/người). Chỉ tiêu về diện tích nhà ở tối thiểu: phấn đấu đạt 10m2/người.

Riêng năm 2022, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 29,7m2 sàn/người (trong đó: khu vực đô thị 27,5 m2 sàn/người, khu vực nông thôn 30,1 m2 sàn/người). Nhu cầu tổng nguồn vốn phát triển nhà ở năm 2022 là 14.584 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh: 38 tỷ đồng; Vốn doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại, nhà ở xã hội: 1.872 tỷ đồng; Vốn của người dân tự xây dựng nhà ở: 12.674 tỷ đồng.

>> TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) chuyển đổi số toàn diện

Để thực hiện được mục tiêu trên, Tiền Giang sẽ chủ động rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách hiện có liên quan đến quản lý và phát triển nhà ở, nhất là các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở theo dự án. Tỉnh cũng khuyến khích sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động hợp pháp để đầu tư xây dựng nhà ở, các khu đô thị mới, đặc biệt nhà ở xã hội.

Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị giới thiệu 59 dự án mời gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng, tập trung ở các lĩnh vực như: đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp…

Tiền Giang tập trung cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh hơn, phù hợp thị trường và hội nhập quốc tế.

Tối ưu hóa tiềm năng

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết Tiền Giang luôn thực hiện phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế...

“Chính quyền và nhà đầu tư cùng mang đến cho nhau những cơ hội hợp tác mới, những cam kết mạnh mẽ và đầy trách nhiệm để cùng nhau phát triển. Lãnh đạo tỉnh sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu để đầu tư tại Tiền Giang”, ông Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh.

>> Tiền Giang xây dựng chính quyền thân thiện

Ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, Tiền Giang sẽ sớm hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để có đủ cơ sở mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời tỉnh tổ chức lập các quy hoạch xây dựng đô thị, sử dụng đất; công bố, công khai ngay các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, huyện… sau khi được phê duyệt.

Đáng chú ý, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ các dự án mời gọi đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước… và các dự án giao thông quan trọng của quốc gia trên địa bàn như đường cao tốc Trung Lương– Mỹ Thuận; cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2…

Chính quyền tỉnh cam kết xây dựng quy trình liên thông đối với thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ chủ trương đầu tư (đấu giá, đấu thầu, chấp thuận nhà đầu tư), chủ trương nghiên cứu đến thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường… theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện. Tỉnh cũng xây dựng nhiều kênh thông tin để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao đạo đức công vụ của công chức, viên chức trong thực thi công vụ nhất nhà trong giải quyết thủ tục đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

“Tiền Giang đã và đang tập trung thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh hơn, phù hợp với thị trường, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; thay đổi từ tư duy, cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư đến chính sách thu hút…nhằm thu hút đầu tư hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh.