Tham vấn kinh nghiệm quốc tế

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ngày nay, cải cách thể chế đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường đầy đủ, tự do. Vì vậy, quan tâm nghiên cứu và đánh giá chất lượng quản trị của chính quyền, là một hướng nghiên cứu phát triển phù hợp, bổ sung cho các nghiên cứu về thị trường tự do và các nền tảng vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam. VEPR cùng Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), 2 thành viên thuộc Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) đã tiến hành nghiên cứu và xếp hạng tính minh bạch trách nhiệm giải trình trong quản trị ngân sách các tỉnh liên tục từ năm 2017 – 2020, thông qua bộ chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI).

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

TS. Nguyễn Quốc Việt

Báo cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một hệ thống thông lệ cho các cấp quản lý ngân sách, dần tiến tới thông lệ quốc tế trong chi tiêu công dựa trên bốn trụ cột của quản lý ngân sách hiện đại, đó là: tính minh bạch, tính giải trình, tính tiên liệu và sự tham gia của người dân. Kết quả đánh giá là những dữ liệu cần thiết, hữu ích để người đọc có thể nhận diện bức tranh chung trên cả nước khi thực thi tính công khai và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước, khi triển khai các khâu ngân sách.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều điểm hạn chế, nặng về tính mô tả tình hình, lý giải, cắt nghĩa những gì nằm đằng sau các so sánh và các con số thì vẫn còn tương đối hạn chế. Tại Lễ công bố Chỉ số POBI 2020 của Việt Nam, các chuyên gia và đại diện Bộ, ban ngành đã tham gia đóng góp ý kiến, nhằm đưa Việt Nam tiến gần hơn đến bức tranh tổng thể về công khai, minh bạch ngân sách.

Nói về vấn đề này, ông Trịnh Tiến Dũng, Nguyên Trưởng ban Quản trị quốc gia UNDP Việt Nam cho rằng, xét ý nghĩa của bộ chỉ số POBI, thì Việt Nam có một mức độ phân cấp rất cao, đặc biệt là phân cấp trong vấn đề về ngân sách. Do vậy, quyết định tập trung nhiều hơn vào POBI là một quyết định đúng đắn. Đơn cử như, Bộ Giáo dục đào tạo chỉ nắm được khoảng trên 10% tổng chi ngân sách cho ngành giáo dục, còn trên 80% đều là do các địa phương nắm giữ. Điều đó cho thấy rằng, nếu tình hình công khai minh bạch ở địa phương tốt hơn, sẽ cho ra một bức tranh toàn cảnh về ngân sách.

Việt Nam có thể nhìn từ kinh nghiệm quốc tế với một số sáng kiến sau:

Thứ nhất, chất lượng minh bạch phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thể chế, trong đó, chỉ số quản trị công của Việt Nam từ 1996 - 2019 không những không tăng mà thậm chí ở một số chỉ số còn giảm, như sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình. Ở một số chỉ số khác, tình hình cũng cải thiện phần nào nhưng không đáng kể. Nếu trên thế giới có sự cải thiện đáng kể, thì ở Việt Nam sự cải thiện lại chưa được như mong đợi, vì chất lượng thể chế cho phép ngăn ngừa những xung đột lợi ích và đặc biệt có thể làm lu mờ trách nhiệm giải trình.

Như vậy, chúng ta tìm kiếm sự minh bạch ở địa phương, nhưng sẽ dẫn đến nghiên cứu không dừng lại đối với các tỉnh, mà thông điệp còn là có ích cho các cơ quan hành chính, chính sách từ phía Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc tiếp tục cải thiện chất lượng thể chế.

Thứ hai, có thể áp dụng bộ chỉ số PEFA dùng rất nhiều bao gồm: Chiến lược tài khóa minh bạch, độ tin cậy ngân sách, kiểm soát tài chính, quản lý trách nhiệm giải trình. năng lực đảm bảo kỷ cương ngân sách, hiệu quả phân bổ nguồn nhân lực và hiệu quả cung cấp dịch vụ công. Với công cụ này, mức độ của nó toàn diện hơn và minh bạch ngân sách chỉ là một bộ phận nhỏ trong bức tranh tổng thể.

Thứ ba, về chất lượng về thể chế, cần nhấn mạnh đến bộ máy Chính phủ cần phải độc lập, tách rời ra khỏi khu vực công còn lại. Ngay cả các định chế khác như Ngân hàng nhà nước, ở nhiều nước trên thế giới, chỉ có Ngân hàng Trung ương là một ngân hàng độc lập, không phải cánh tay nối dài của bộ máy nhà nước như tại Việt Nam. Hoặc cơ quan thống kê cũng là một cơ quan độc lập, không nằm trong cơ quan hoạch định chính sách phát triển như MPI hiện nay,...

Một điểm đáng quan tâm nữa đó là lồng ghép ngân sách các cấp được mô tả như “búp bê Nga” với tầng tầng lớp lớp. Trước khi sửa Luật ngân sách đã có rất nhiều thảo luận về vấn đề: Làm thế nào để giảm bớt sự lồng ghép?”, ông Trịnh Tiến Dũng trăn trở.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đề cập đến Chính phủ mở, gần đây nhiều nước đã hợp tác với nhau và thành lập ra đối tác Chính phủ mở với bốn trụ cột chính đó là: Minh bạch ngân sách; Tiếp cận thông tin; Công khai tài sản; Và sự tham gia của công dân.

Việt Nam cũng đã quan tâm và đã từng cử đoàn sang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về sáng kiến này, đến năm 2020, Việt Nam đã đạt được đến 75 % số điểm tức là điểm tối thiểu để có thể trở thành thành viên của đối tác chính phủ mở, mà trên thế giới hiện nay đã có 80 nước tham gia. Đây được xem là một bước rất quan trọng để tiến tới hoàn thành ước nguyện của người dân, mọi việc Chính phủ làm nhân dân đều nắm được, trong đó bao gồm minh bạch ngân sách.

nếu tình hình công khai minh bạch ở địa phương tốt hơn, sẽ cho ra một bức tranh toàn cảnh về ngân sách

Nếu tình hình công khai minh bạch ở địa phương tốt hơn, sẽ cho ra một bức tranh toàn cảnh về ngân sách

Áp dụng phù hợp thực tiễn

Tuy nhiên, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cũng có nêu ra một số bất cập cần điều chỉnh, nhằm rút kinh nghiệm cho POBI 2021, trong bộ chỉ số đưa ra có nhiều vấn đề nên nghiên cứu tiếp cận một cách khác hơn, để phù hợp với thực tiễn Việt Nam như:

Thứ nhất, liên quan đến báo cáo ngân sách công dân, báo cáo này các tổ chức quốc tế khuyến nghị là cần thực hiện công khai nhưng không phải là tiêu chí bắt buộc. Do đó, nếu cho vào tiêu chí đánh giá chính thức thì các địa phương sẽ có những khó khăn nhất định.

Thứ hai, liên quan đến việc công khai các báo cáo về kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện đầu tư công,... Theo quy định của luật hiện hành, tất cả các cơ quan đều phải có tổ chức đánh giá hướng dẫn thực hiện công khai, nhưng trên thực tế, mỗi một cơ quan, mỗi Bộ đều có một cách hướng dẫn và thực hiện riêng. Mặt khác, việc tổ chức triển khai với địa phương rõ ràng bị ảnh hưởng, trong khi Bộ Tài chính lại không thể can thiệp. Trong đó có một số vấn đề nên cân nhắc, như các vấn đề về chênh lệch giữa quyết toán và dự toán. Ở Việt Nam, sự sát đúng giữa dự toán và quyết toán vẫn còn khó và chưa được khả thi trong thực tiễn.

Có những năm vượt dự toán rất lớn ở cả Trung ương và địa phương, nhưng cũng có nhiều năm Trung ương giảm, địa phương tăng hoặc ngân sách nhà nước chỉ cơ bản là bám sát dự toán được quốc hội giao. Có thể thấy, mức độ khác biệt từng năm rất lớn, xuất phát từ khó khăn và môi trường ảnh hưởng của bên ngoài, chứ cũng không phải do chủ quan hay do cách thức tổ chức, thực hiện dự toán không sát. Nên nếu đưa vào là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện POBI, thì sẽ chưa được phù hợp với Việt Nam”, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị.

Sau nhiều năm liên tục thực hiện, chỉ số POBI đã đạt được nhiều cải thiện đáng khích lệ. So với những năm đầu tiên, số tỉnh được xếp điểm cao không nhiều, nhưng đến nay đã đồng đều ở các địa phương, đặc biệt là những tỉnh trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Sự sai lệch không quá lớn, riêng có một vài tỉnh ở duyên hải Nam Trung bộ thì sự chênh lệch điểm khá cao hay các tỉnh Đông Nam bộ cũng có sự dao động lớn, đặc biệt là tỉnh Bình Phước đang xếp cuối cùng trong bảng công bố. Hoặc như trường hợp tỉnh Kon Tum, trước đây điểm xếp hạng rất cao, nhưng đến nay thì tụt hạng xuống trung bình. Điều đó cho thấy, các chỉ số công khai minh bạch là một quá trình cần phải duy trì liên tục và các địa phương cần tích cực trong công tác thúc đẩy sự minh bạch của mình, khi tiến gần hơn với hội nhập quốc tế.