Các quán nước góc ngã tư dự án KĐT Hòa Xuân thường là “bến đỗ” của bên môi giới lẫn khách hàng có nhu cầu mua bán đất nền

Các quán nước góc ngã tư dự án KĐT Hòa Xuân vắng bóng môi giới lẫn khách hàng mua bán đất nền

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại như một đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp. Báo cáo thống kê cho thấy chỉ riêng tháng 7 đã có hơn 10.000 doanh nghiệp phá sản, trên 30.000 doanh nghiệp khắp cả nước tạm ngừng kinh doanh. Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 300 doanh nghiệp đóng cửa.

Doanh nghiệp lao đao vì dịch trở lại

Không chỉ các tập đoàn, tổng công ty lớn có nguồn vốn mạnh bị ảnh hưởng, với các doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa (SME) tình trạng còn bi đát hơn, dịch COVID-19 đã đẩy các doanh nghiệp lâm vào khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản.

Với tỉ lệ hơn 80% là kinh doanh thương mại và dịch vụ nên thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, doanh thu giảm mạnh, thậm chí là không có thu nhập.

“Vấn đề khó khăn nhất chính là nhu cầu giảm và đầu ra chưa phục hồi, cùng với tình trạng thiếu vốn buộc chúng tôi phải có những tính toán sao cho hợp lý nhất để tồn tại” - Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại quận Cẩm Lệ cho hay.

Chia sẻ về những giải pháp Chính phủ đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân và giảm tiền thuê đất... CEO một công ty tại Đà Nẵng nhận xét các giải pháp này chưa đủ mạnh để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đơn cử, công ty này đã hơn 4 tháng không có doanh thu vì vậy giãn thuế cũng không tạo ra được dòng tiền. Gia hạn hay giảm tiền thuê đất thì chỉ những doanh nghiệp thuê đất nhà nước mới được hưởng, ngoài đối tượng trên không được. Hay một số ít các doanh nghiệp bất động sản khác có doanh thu nhưng giảm mạnh đến 15% - 30% so với trước về nguyên tắc đang thua lỗ nên việc giãn thuế cũng không đem lại nhiều hiệu quả.

Loay hoay tìm lối thoát

Ông Nguyễn Quý – Chủ tịch Thiên Phúc Corp cho biết: “Doanh nghiệp đã chủ động tìm nguồn hàng ở thị trường ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam để làm chủ lực kinh doanh tạo nguồn thu, tuy nhiên do dịch bệnh đợt này bùng phát mạnh nên thị trường các nơi khác cũng bị ảnh hưởng, tâm lý nhà đầu tư e dè không xuống tiền. Dù đã lường trước khó khăn và tìm lối thoát nhưng có vẻ không được như mong muốn”.

Nhiều dự án trên địa bàn Đà Nẵng đang

Nhiều dự án trên địa bàn Đà Nẵng đang "bất động" giữa mùa dịch

Còn ông Nguyễn Tám – Giám đốc HM Landco chia sẻ: “Mặc dù là doanh nghiệp bất động sản xuất phát điểm từ Đà Nẵng nhưng nhận thấy thời gian qua tại thị trường này đang có dấu hiệu chững lại và đi xuống do dịch bệnh nên chúng tôi đã chuyển hướng kinh doanh ra khu vực Nghệ An để phát triển dự án, ngoài bất động sản là ngành kinh doanh chính, hiện doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa mặt bằng công ty để kinh doanh thêm dịch vụ café văn phòng, chia sẻ không gian làm việc và hỗ trợ khách hàng làm giấy tờ nhà đất…, mặc dù doanh thu nhỏ nhưng đó cũng là hướng để doanh nghiệp có thể tồn tại và trang trải chi phí trong giai đoạn khó khăn”.

Bàn về giải pháp tồn tại trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, theo ông Vũ Tâm – Công ty bất động sản VIP: Đa phần các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn thấp, doanh thu chính đến từ kinh doanh dịch vụ môi giới và trong đó số ít cũng đến từ hoạt động đầu tư cá nhân cũng như công ty vào bất động sản, tuy nhiên dịch bệnh xảy ra đã làm gần như đóng băng các nguồn thu trong khi đó chi phí hoạt động và các chi phí khác tăng, áp lực vốn vay… đã làm cho các doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính.

"Trong kinh doanh điều quan trọng nhất là dòng tiền, doanh thu và vốn lưu động như hơi thở mạch máu cơ thể mà bị tắt thì lấy gì mà tồn tại?" - ông Tâm ví von.

Để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, theo ông Tâm doanh nghiệp cần được giãn nợ, giảm lãi suất cho vay với nợ cũ và ưu đãi với món vay mới. Nhưng thực tế không dễ tiếp cận và được hỗ trợ vì nhiều ràng buộc về thủ tục, thỏa thuận quy định của ngân hàng thành ra để có thể tồn tại và tìm lối thoát cho chính mình, doanh nghiệp buộc phải tìm những giải pháp khác để có nguồn thu và tiền để xoay xở.

"Tôi cũng đã đi gõ cửa từng ngân hàng để được hỗ trợ các gói vay, tuy nhiên rất nhiều ngân hàng lắc đầu từ chối vì quy trình thẩm định của ngân hàng với doanh nghiệp còn nhiều thủ tục hạn chế. Đa phần vẫn đánh giá dựa trên tài sản thế chấp như bất động sản, xe cộ chứ chưa chú trọng vào phương án kinh doanh của doanh nghiệp để có thể xét duyệt các hạng mức và gói vay ưu đãi, thành ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi gần như không có. Các món vay thế chấp bằng tài sản bảo đảm của doanh nghiệp được định giá thấp và lãi suất tương đối cao, kèm theo các điều kiện phải mua bảo hiểm kiểu “bia kèm lạc”, nhẩm tính vào hiệu quả kinh doanh, nguồn thu không đủ trả lãi vay đã làm cho doanh nghiệp nhỏ đã khó lại càng thêm khó” - ông Tâm ngậm ngùi.

Kiến nghị lớn nhất của giới doanh nghiệp bất động sản hiện nay là muốn thủ tục hành chính được triển khai nhanh hơn, chính sách của Chính phủ phải cập nhật thị trường để có thể điều chỉnh kịp thời, quy luật cung cầu của thị trường phải áp dụng triệt để trong lĩnh vực bất động sản...