Tàu của Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu.

Tàu của Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu.

Theo mô tả của lực lượng NTF trên đài ABS-CBN News ngày 12/5, các tàu "dân quân biển" Trung Quốc đi thành các nhóm lớn ở những hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông trong khi một số xuất hiện gần những khu vực do Manila chiếm.

Theo đó, Trung Quốc đã điều thêm khoảng 34 tàu tới đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, 2 tàu chiến trang bị tên lửa lớp Houbei cũng xuất hiện gần đá Vành Khăn.

Với sự ủng hộ của Mỹ, những ngày qua Philippines liên tục phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút tàu. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố sẽ không rút các tàu hải quân và tuần duyên đang tuần tra trên Biển Đông và khẳng định không "mặc cả" với Trung Quốc về vấn đề mà ông gọi là “chủ quyền của Philippines”.

Theo Tổng thống Duterte, mặc dù Philippines còn "nợ ân tình" Trung Quốc nhiều thứ, trong đó có 1 triệu liều vaccine Covid-19 miễn phí, nhưng tuyên bố của Philippines đối với Biển Đông là "không thể mặc cả".

Tổng thống Philippines khẳng định sẽ không ra lệnh cho các tàu nước này rút khỏi vùng biển phía Tây. "Tôi sẽ nói với Trung Quốc, chúng tôi không muốn rắc rối, chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng nếu các ngài bảo chúng tôi rời đi thì câu trả lời là không". - Ông Duterte khẳng định.

Theo nhà lãnh đạo Philippines, có những điều "thực sự không thể thỏa hiệp, như việc chúng tôi rút tàu. Điều đó rất khó. Tôi mong họ sẽ hiểu, tôi phải bảo vệ lợi ích của đất nước mình".

Về phía Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Hoạt động của tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu nằm trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện UNCLOS 1982, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Tàu dân binh Trung Quốc dàn hàng gần đá Ba Đầu ngày 7/3. Ảnh: NTF-WPS

Tàu dân binh Trung Quốc dàn hàng gần đá Ba Đầu ngày 7/3. Ảnh: NTF-WPS

Đá Ba Đầu là một rạn san hô hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10km2, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống thấp. Nó nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quyền quản lý và chủ quyền của Việt Nam, nhưng Trung Quốc và Philippines cũng đưa ra yêu sách đối với thực thể này.

Tình hình tại đá Ba Đầu bắt đầu thu hút sự chú ý vào cuối tháng 3, sau khi truyền thông Philippines công bố các bức ảnh cho thấy hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu thành hàng ngang tại khu vực.

Bộ Ngoại giao Philippines đã liên tục gởi công hàm phản đối tới Bắc Kinh kể từ đầu tháng 4 đến nay, yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi đá Ba Đầu và các thực thể khác thuộc quần đảo Trường Sa.

Bộ Quốc phòng và cơ quan ngư nghiệp Philippines cũng cử tàu tuần tra và máy bay đến khu vực, tuyên bố bảo vệ ngư dân Philippines và đề phòng Trung Quốc. Trong một tuyên bố mang tính khích lệ lớn hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nhấn mạnh sẽ không lung lay quan điểm dù Trung Quốc có quân đội mạnh hơn Philippines.

Bình luận về vấn đề này, Th.S Võ Ngọc Diệp, nghiên cứu viên tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao nhận định, việc Trung Quốc tập trung đông tàu cá tại Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đã "ngó lơ" quyền qua lại không gây hại, làm xói mòn lòng tin của các nước.

Trong nhiều tuyên bố, công hàm của Trung Quốc gửi đến Liên hợp quốc có thể bắt gặp luận điệu Trung Quốc là quốc gia tôn trọng và ủng hộ tự do hàng hải và tự do hàng không trên Biển Đông, cho thấy Trung Quốc tôn trọng luật pháp và vì lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế.

Luận điệu này đã bị nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực lên tiếng bác bỏ, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, hồi tháng 1/2021, Bộ Ngoại giao Nhật Bản gửi công hàm đến Liên hợp quốc đặc biệt phản bác luận điệu này của Trung Quốc. Công hàm của Nhật Bản đã dẫn chứng 2 sự vụ thực tế đã xảy ra trên Biển Hoa Đông để chứng minh Bắc Kinh cố tình vi phạm các quy định về hàng hải, gây mất tự do và an toàn hàng hải, hàng không.

Sự vụ tại Đá Ba Đầu lần này có thể xem là một ví dụ nữa cho thấy, Trung Quốc thiếu tôn trọng các quy định, quy tắc về hàng hải cũng như đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm phức tạp thêm tình hình.

Đáng quan ngại hơn, việc “nói một đằng, làm một nẻo” này có thể làm suy giảm lòng tin, gây ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC), do đó, các nước ASEAN có thể cảm thấy mất lòng tin vào Trung Quốc, đi ngược lại nỗ lực chung của các nhà đàm phán trong khu vực.

Liên quan đến sách lược của Việt Nam ở Biển Đông, Thượng tướng Phan Văn Giang – Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, đang có những diễn biến căng thẳng phức tạp, đặt ra thách thức lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện đang có sự tranh chấp giữa các nước có liên quan đến Biển Đông như vùng tranh chấp, vùng chồng lấn, vùng chưa phân định rõ ràng, vùng nước lịch sử, vùng cùng đánh cá, thềm lục địa… chưa giải quyết được.

Những động thái ngoài thực địa mà Trung Quốc đã đang và sẽ thực hiện nó đi ngược lại với luật pháp quốc tế, với những hiệp định mà hai nước đã ký. Cụ thể: Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc với 90% diện tích Biển Đông, song nước này không công nhận phán quyết.

Hoặc, năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc bộ. Giấy trắng, mực đen còn đó mà nay, Trung Quốc lại muốn xé bỏ nó đi thì quả là một đất nước vừa tham lam vừa lươn lẹo.

Hiện tại, Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép và lấp biển xây dựng 7 bãi đá san hô thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, bao gồm Vành Khăn, Xu Bi, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Gạc Ma và Tư Nghĩa (Huy Gơ), trong đó ba đá đầu tiên có diện tích lớn hơn, có đường băng sân bay.

Thế nhưng, cần khẳng định lại một lần nữa, dù trong quá khứ hay hiện tại, Việt Nam cũng luôn có đầy đủ cơ sở pháp lý chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp sự ngang ngược của Trung Quốc. Biển, đảo cũng giống như từng tấc đất trên trên đất liền, chúng cấu thành nên lãnh thổ Việt Nam thống nhất, có chủ quyền rõ ràng.

Tuy nhiên, thực tế hiện tại đòi hỏi chúng ta phải giải quyết bài bản, lâu dài chứ không thể nóng vội. Như Thượng tướng Phan Văn Giang nói: “Thực tế này đòi hỏi phải giải quyết bài bản, căn cơ, lâu dài, có chiến lược và sách lược mềm dẻo, đúng đắn, tôn trọng luật pháp quốc tế, trên Biển Đông ta thực hiện Công ước Luật biển 1982 và quy tắc DOC của các nước ASEAN với một số nước khác và tiến tới COC”. Hiện tại, những gì mà chúng ta đang ứng xử ở Biển Đông là sự khôn khéo, thận trọng. Chính điều đó vừa tránh rơi vào thế đối đầu vừa bảo vệ được chủ quyền và xây dựng phát triển đất nước.