>> “Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Cần làm nhanh, giảm mạnh các loại thuế

Thông tin từ Bộ Tài Chính cho biết, ngày 4/7, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình số 244/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022

Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần (giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH).

Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngày 23/3/2022, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 để giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa) và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

“Việc thực hiện giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 từ ngày 01/4/2022 đã góp phần giảm trực tiếp chi phí thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, từ đó góp phần giảm bớt sự tăng giá xăng dầu trong nước do giá xăng dầu thế giới tăng, qua đó đã góp phần kiềm chế lạm phát. Tính chung trong tháng 4/2022, việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã làm giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3/2022 và từ đó làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm. Tuy nhiên, sau khi thực hiện giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng cao”, Bộ Tài chính cho hay.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất ngày 1/7, giá xăng dầu trong nước có sự điều chỉnh giảm so với kỳ điều chỉnh ngày 21/6/2022, cụ thể:  giảm 411 đồng/lít đối với xăng E5RON92; 110 đồng/lít đối với xăng RON95; 404 đồng/lít đối với  dầu diesel; 432 đồng/lít đối với dầu hỏa và 1.013 đồng/lít đối với dầu mazut. Tuy nhiên, mức giá này vẫn tăng so với kỳ điều chỉnh ngày đầu tiên của năm (ngày 11/01/2022) và kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022.

>> “Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Không thể chờ đến kỳ họp Quốc hội… chính thức

Bộ Tài chính nhận định, với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Để thực hiện mục đích, quan điểm nêu trên, Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau: Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 01/01/2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đồng tình quan điểm cần giảm và cắt bỏ một số sắc thuế để ổn định giá xăng dầu. PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc giảm một số loại thuế sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu dài hạn, nhưng có tác động ngay lập tức để giảm giá xăng, kiềm chế được nguy cơ hàng hóa tăng giá mạnh. “Tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu là gánh nặng với người dân do Việt Nam có thu nhập thấp hơn. Ví dụ so với Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người họ gấp 3 lần mình nhưng giá xăng của Việt Nam lại tương đương. Tổng thể, Việt Nam có thu nhập thấp nhưng giá xăng cao nên cần cắt giảm. Còn cắt giảm bao nhiêu, nhiều ít thì tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách một cách hợp lý của Bộ Tài chính.

Trên thực tế, không chỉ Việt Nam, để kìm đà tăng và hạ nhiệt giá xăng, dầu, nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới đã sử dụng đến công cụ thuế.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, khi giá xăng dầu tăng “thẳng đứng”, nhiều quốc gia phải tìm cách hãm đà tăng của loại nhiên liệu này thông qua các biện pháp giảm thuế, phí.

“Với các chương trình phục hồi kinh tế của các quốc gia, tổng cầu thế giới tăng cao; bất ổn địa chính trị và các biện pháp cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga, dự báo giá xăng dầu thế giới vẫn tăng ở mức cao. Đối với kinh tế Việt Nam, chỉ có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với xăng dầu mới có thể kìm hãm đà tăng của mặt hàng này.

Trong giai đoạn này, Quốc hội và Chính phủ nên coi việc giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân. Đây được xem như khoản đầu tư và sẽ mang lại hiệu quả tức thì, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.