>> Chủ quyền quốc gia của Việt Nam là bất biến!

Thông báo này vừa được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA).

Theo đó, cuộc tập trận mới diễn ra từ 6 giờ ngày 5/7/2022 đến 18 giờ 30 giờ ngày 6/7/2022, tại khu vực được giới hạn bởi các tọa độ: 18o51,87 vĩ bắc/110o30,65 kinh đông, 18o51,87 vĩ bắc/110o36,35 kinh đông, 18o46,47 vĩ bắc/110o30,65 kinh đông, 18o46,47 vĩ bắc/110o36,35 kinh đông, 18o47,18 vĩ bắc/110o31,53 kinh đông, 18o46,52 vĩ bắc/110o34,88 kinh đông, 18o55,13 vĩ bắc/110o33,32 kinh đông và 18o54,47 vĩ bắc/110o36,65 kinh đông.

Theo kết quả đối chiếu những tọa độ trên lên Google Maps, thì khu vực tập trận dường như nằm ở vùng biển gần bờ biển phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Tàu hộ vệ thuộc Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc trong một cuộc huấn luyện tác chiến ngày 13.6p/CHỤP MÀN HÌNH CHINAMIL.COM

Tàu hộ vệ thuộc Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc trong một cuộc huấn luyện tác chiến ngày 13/6. Ảnh: Chinamil.com.cn

Trước đó, website của MSA hôm 30/5 cũng thông báo buổi tập trận bắn pháo của Trung Quốc diễn ra ở Biển Đông từ ngày 31/5 đến ngày 2/6. Kết quả đối chiếu 4 tọa độ được nêu trong thông báo cho thấy khu vực tập trận nằm ở vùng biển phía đông nam tỉnh Quảng Đông.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch khoảng 41 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, theo các thông báo được đăng trên website của MSA và thông tin từ tờ South China Morning Post. Trong đó, còn một cuộc tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 19/6.

Còn trong cả năm 2021, Trung Quốc được cho là đã tiến hành ít nhất 51 cuộc tập trận ở Biển Đông, theo các thông báo được đăng trên website của MSA. Trong đó có ít nhất 20 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ và ít nhất 1 cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, ngay từ 23/6/2022, Việt Nam đã kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không tái diễn vi phạm tương tự.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại Tuyên bố ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC).

Có thể thấy, trong những năm gần đây, Trung Quốc phô liên tục phô diễn sức mạnh tại Biển Đông vượt xa ranh giới truyền thống. Trung Quốc nêu yêu sách phi lý với phần lớn diện tích khu vực Biển Đông.

Sự căng thẳng đó là kết quả của tư tưởng thuộc một số quan chức và chuyên gia, học giả Trung Quốc từ lâu nay vẫn phiến diện kiên trì quan điểm về thềm lục địa kéo dài tự nhiên và chủ trương về “đường lưỡi bò” phi lí mà họ tự dựng lên.

Trung Quốc từng cho rằng, “chủ quyền của nước này trên Biển Đông được cộng đồng quốc tế thừa nhận”. Nhưng thực tế cho thấy đã rất nhiều nước gồm Mỹ, Úc, Malaysia, Philippines, Việt Nam đã gửi công hàm, công thư đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này.

Cụ thể, trong hồ sơ đệ trình lên Liên Hợp Quốc, chính phủ Úc cho biết “không có cơ sở pháp lý” để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các nhóm đảo “Tứ Sa”, đòi yêu sách với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc các khu vực biển được tạo ra khi thủy triều thấp.

Tương tự, Malaysia cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền và quyền tài phán khác, liên quan đến những khu vực hàng hải tại Biển Đông bị gộp trong “đường 9 đoạn”, vì những yêu sách này trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý.

Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Chinamil.com.cn CHINAMIL.COM.CN

Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Chinamil.com.cn

>> Những hoạt động quân sự đáng ngại của Trung Quốc trên Biển Đông

>> Lại tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc toan tính gì?

>> Sắc lệnh mới của Trung Quốc: Tăng cường các hoạt động trong “vùng xám”

Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND (Research And Development), cho rằng, Trung Quốc đã có nhiều hành động "bắt nạt" các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. 

Theo ông Grossman, các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang.

Tương tự, tiến sỹ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (London, Anh), nhấn mạnh việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là “đường lưỡi bò” là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là khi Trung Quốc cũng là một bên phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Ông James Rogers khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực.

Về phía Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.