TikTok đang bị

TikTok đang bị "giữ chân" trên chính "sân nhà".

Rào cản từ “sân nhà”

Báo cáo của Nikkei Asian Review cho biết, chính phủ Trung Quốc đang siết chặt các quy định về việc xuất khẩu công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Các quy định mới này sẽ là rào cản cho thương vụ của ByteDance với hy vọng giữ lại TikTok lại thị trường Mỹ.

Theo đó, Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây đã công bố bản cập nhật danh sách kiểm soát xuất khẩu, trong đó có các công nghệ liên quan đến "đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" và hàng loạt các công nghệ khác trong danh mục công năng kép, hàm ý liên quan đến cả việc mua bán chúng trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal, trích dẫn lời một quan chức Trung Quốc rằng ByteDance nên xem xét nghiêm túc và cẩn trọng việc ngưng đàm phán bán TikTok tại thị trường Mỹ.

Cui Fan, giáo sư thương mại quốc tế tại Bắc Kinh, trả lời Tân Hoa Xã rằng, ByteDance có thể cần được chính phủ Trung Quốc cho phép bán mình và công ty này có thể phải tạm dừng đàm phán về việc bán TikTok.

Hiện tại vẫn chưa rõ khi nào danh sách bổ sung này sẽ được áp dụng trên thực tế.

Hiện nay thương vụ của TikTok đang có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ để ý tới bao gồm Microsoft đang nỗ lực đàm phán mua lại cổ phần của ByteDance, tiếp theo đó là chuỗi siêu thị Walmart, nền tảng phim trực tuyến Netflix và công ty phần mềm Oracle cũng vào cuộc.

Có thể thấy hiện ByteDance đang trong giai đoạn nước rút để đạt thỏa thuận bán cổ phần TikTok cho các doanh nghiệp Mỹ, bởi từ ngày 6/8 Tổng thống Mỹ ông Donald Trump đã ký sắc lệch cấm mọi giao dịch với ByteDance và lệnh này có hiệu lực 45 ngày kể từ ngày ký. Sau đó, tới ngày 14/8, ông Trump ký một lệnh cho ByteDance 90 ngày để bán hoặc thoái vốn TikTok khỏi Mỹ.

Như vậy, rõ ràng thời gian cho ByteDane mặc dù đã được nới lỏng nhưng với quy định mới của chính phủ Trung Quốc sẽ là rào cản lớn trên chính “sân nhà” cho ByteDance.

Nỗi lo an ninh

TikTok đến nay là mạng xã hội video nổi tiếng nhất ByteDance trên thị trường quốc tế, tại Trung Quốc, ứng dụng này có tên là Douyin. Tính đến tháng 4/2020, nền tảng này đã thu hút hơn 2 tỷ lượt tải về trên toàn cầu. Theo Sensor Tower, không tính số lượng người dùng ở Trung Quốc, TikTok cũng thừa sức trở thành ứng dụng không phải game được cài đặt nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nền tảng này đã bị “kẹt” giữa căng thẳng của các nước với Trung Quốc. Tiêu biểu là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đã khiến thị trường của TikTok bị ảnh hưởng đáng kể.

ByteDance thiệt hại nặng nề khi TikTok bị cấm ở Ấn Độ.

ByteDance thiệt hại nặng nề khi TikTok bị cấm ở Ấn Độ.

Ấn Độ đã cấm nền tảng chia sẻ video này cùng 58 ứng dụng xuất xứ Trung Quốc khác kể từ khi xuất hiện căng thẳng biên giới, khiến nhiều binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đáng chú ý, Ấn Độ là thị trường lớn thứ ba của TikTok với 120 triệu người dùng chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Chính vì vậy khi bị cấm tại Ấn Độ, theo báo cáo từ hãng truyền thông Trung Quốc, Caixin Media, đã làm ByteDance thiệt hại hơn 6 tỷ USD. Như vậy, nếu mất cả thị trường Mỹ, thiệt hại sẽ rất lớn.

Hiện chính phủ Mỹ đã cấm nhân viên liên bang cài ứng dụng TikTok trên smartphone do lo ngại bảo mật. Cũng giống như Huawei khi bị lôi vào căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung, chính phủ Mỹ cáo buộc TikTok thu thập dữ liệu người dùng Mỹ và chia sẻ với chính quyền Trung Quốc.

Và cũng như Huawei, TikTok nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.

Việc cáo buộc của chính phủ Mỹ rằng TikTok thu thập dữ liệu người dùng Mỹ không chỉ ra rằng ứng dụng này có thu thập quá nhiều hay, hay nội dung nhạy cảm ra sao. Bởi nếu nói về thu thập dữ liệu người dùng thì các doanh nghiệp công nghệ Mỹ như Google, Facebook cũng đang thu nhập của hàng tỷ người dùng trên thế giới thông qua nhiều kênh khác nhau.

Nhưng lo ngại của Mỹ về việc chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng nguồn dữ liệu này cũng không phải không có căn cứ, bởi chính các cơ quan điều tra Mỹ cũng đã nhiều lần yêu cầu Facebook, Google, hay Apple cung cấp thông tin.

Quả thực trong thời đại công nghệ số, việc thu thập thông tin dữ liệu người dùng của các nền tảng là điều không thể tránh khỏi, mục đích là để cải thiện trải nghiệm, tăng hiệu ứng quảng cáo, nguồn sống chính của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu những dữ liệu này bị sử dụng sai mục đích thì thật nguy hiểm. Vì vậy đã có một số luật ra đời nhằm bảo vệ người dùng như Luật bảo vệ thông tin riêng tư của châu Âu (General Data Protection Regulation GDPR), mặc dù Luật này chỉ giới hạn trong phạm vi EU, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng và là kinh nghiệm cho nhiều quốc gia, khu vực học hỏi để sớm ban hành các bộ luật liên quan bảo vệ người dùng trên không gian số.