>> Chứng khoán Việt Nam vẫn tiềm năng giữa vùng nhiễu động

Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đều tăng trở lại làm chi phí vốn đầu tư và người dân thắt chặt chi tiêu, cơ hội trên thị trường chứng khoán sẽ ra sao là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Giới chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán luôn có tính chu kỳ, do đó, dựa trên một số yếu tố vĩ mô hiện nay, khả năng VN-Index có thể sẽ tích lũy quanh mốc 1.100 – 1.300 điểm trong giai đoạn sắp tới.

Nhóm cổ phiếu nước vẫn luôn tăng trưởng ổn định trong nhiều năm, bất chấp các thời điểm suy thoái kinh tế hay lạm phát rất cao

Nhóm cổ phiếu nước vẫn luôn tăng trưởng ổn định trong nhiều năm, bất chấp các thời điểm suy thoái kinh tế hay lạm phát rất cao

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, cơ hội đầu tư bắt đầu đến dần, tuy nhiên tránh trường hợp lạm phát tăng, lãi suất tăng thì nhà đầu tư phải có những tiêu chí lựa chọn cụ thể đối với các nhóm ngành.

Trước sóng gió lạm phát, có thể lựa chọn các nhóm cổ phiếu hiện có tỷ lệ P/E cao hơn mức lạm phát tiềm năng (4%), ít có tính chu kỳ như nhóm hóa chất, hàng hóa cá nhân và gia dụng, ngoài ra còn các nhóm có tiềm năng tăng trưởng như thực phẩm, đồ uống; điện - nước; xăng dầu - khí đốt và bán lẻ. Đặc biệt với nhóm cổ phiếu nước, nhóm này vẫn luôn tăng trưởng ổn định trong nhiều năm, bất chấp các thời điểm suy thoái kinh tế hay lạm phát rất cao, thì nhu cầu của nhóm ngành nước vẫn ổn định.

Tới nay có tổng cộng 64 mã chứng khoán ngành nước trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm cổ phiếu doanh nghiệp nước sạch và cấp thoát nước. Trong đó, 55 mã giao dịch trên sàn Upcom, 4 mã giao dịch trên sàn HOSE và 5 mã giao dịch trên sàn HNX.

Theo tổng hợp của FiinPro dựa trên lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2021, nhóm 10 mã cổ phiếu hàng đầu ngành nước bao gồm BWE (CTCP Nước – Môi trường Bình Dương), VCW (Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà), HPW (Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng), TDM (Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một), BWS (Công ty Cổ phần Cấp nước Bà Rịa-Vũng Tàu), TDW (Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức), DNN (Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng), DNW (Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai), NBW (Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè) và VIW (Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam).

Trong nhóm trên, chuyên gia từ Yuanta Việt Nam phân tích, BWE có động lực tăng trưởng trong năm 2022 tích cực với hệ thống nước Nam Thủ Dầu 1 và Lò đốt rác Nam Bình Dương vận hành từ năm 2021. Ngoài ra, giá bán nước sạch tại Bình Dương cũng tăng 5% từ tháng 1/2022 giúp gia tăng biên lợi nhuận. Trong trung hạn, tăng trưởng BWE được hỗ trợ bởi các dự án Nhà máy nước Tân Hiệp (2022), Nhà máy sản xuất phân compost (2022).

“BWE định hướng sẽ mở rộng mảng xử lý nước thải cho các KCN, hiện chỉ chiếm khoảng 4% doanh thu. Về M&A để mở rộng thị trường mới, BWE và cổ đông lớn là TDM đã mua 50% CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW) và sẽ tiếp tục mua 50% tại CTCP Cấp nước Cần Thơ 2 và Nhà máy Nước Cần thơ 3. Sau khi toàn tất thương vụ, BWE sẽ nâng công suất lên thêm 200,000 m3/ngày. Do đó, BWE được đánh giá mức xếp hạng tăng trưởng tích cực”, chuyên gia từ Yuanta Việt Nam cho biết.

Hay như cổ phiếu TDM là một trong những doanh nghiệp cung cấp nước hàng đầu tại khu vực Bình Dương với 2 nhà máy nước tại Dĩ An và Bàu Bàng được mở rộng và đưa vào sản xuất trong năm 2020, đã giúp tổng công suất nâng lên tới 260,000 m3/ngày đêm.

Công ty chứng khoán MASVN đánh giá, với việc tập đoàn LEGO đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy tại VSIP3 sẽ giúp cho nhu cầu tiêu thụ và sử dụng nước tại khu vực Bình Dương tăng lên, là một điểm sáng tích cực và kỳ vọng giúp cho TDM tăng sản lượng trong năm 2022. Bên cạnh đó, giá bán nước tăng 5% đạt gần 7,000 đồng/m3 cùng nhiều chi phí tài chính khác được cắt giảm, cổ phiếu TDM cũng được đánh giá khả quan.

>> Làm gì để thu hút khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành nước?

có tổng cộng 64 mã chứng khoán ngành nước trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm cổ phiếu doanh nghiệp nước sạch và cấp thoát nước

Có tổng cộng 64 mã chứng khoán ngành nước trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm cổ phiếu doanh nghiệp nước sạch và cấp thoát nước

Số liệu của Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho thấy, tổng công suất nước sạch tại Việt Nam đạt 10,6-10,9 triệu m3/ngày. Theo quy hoạch ngành nước đến 2030, tiêu thụ nước sẽ đạt 105-110 lít/người/ngày trong 2021 lên 120 lít/người/ngày đến 2030. Tỷ lệ người dân tại khu vực nông thôn được cấp nước sạch qua hệ thống ước tính tăng từ 43,5% hiện tại lên 47% đến 2030.

Mặt khác, nhờ nâng cấp hệ thống giảm thất thoát nước để cải thiện mạng lưới đường ống nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước trung bình ước tính giảm từ 19,5% trong năm 2021 còn 18,7% trong năm 2022.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu Khí cũng nhận định, nhóm cổ phiếu ngành nước sẽ trở nên đáng quan tâm hơn từ giờ cho tới cuối năm.

“Đặc điểm của các doanh nghiệp nhóm ngành Nước là lợi suất cổ tức tương đối tốt, thậm chí có lợi suất cổ tức trên 20%, nhưng thanh khoản thấp do cơ cấu sở hữu 51% trở lên của cổ đông lớn.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp cấp nước triển vọng do nhu cầu sử dụng nước tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu du lịch đều cao và nhiều dư địa tăng trưởng. Ngoài ra, những doanh nghiệp nước có quy mô lớn, có nhiều nhà máy nước và chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh sẽ giúp lợi nhuận bứt phá, tạo đà cho tăng trưởng giá cổ phiếu”, Ông Tuấn nói.

Có thể thấy, các chuyên gia chứng khoán đều coi nhóm cổ phiếu ngành Nước là cổ phiếu phòng thủ nhờ tính chất hoạt động ổn định của các doanh nghiệp cấp nước. Đặc biệt, khi nguồn cung nước sạch ngày càng khan hiếm và tình trạng ô nhiễm gia tăng nhanh, giá nước bán lẻ và bán buôn của các nhà máy xử lý nước đều có lộ trình tăng. Cùng với lượng tiêu thụ tăng trưởng đều đặn, việc ngành cấp nước dự đoán có mức tăng trưởng 2 chữ số là điều tất yếu.