Bất kỳ doanh nghiệp nào khi rơi vào điểm khủng hoảng, người lãnh đạo phải đặt vấn đề sống còn của công ty lên hàng đầu. Những tình huống tuyệt vọng thường đòi hỏi những giải pháp liều lĩnh và một nhà lãnh đạo vĩ đại.

Tố chất cơ bản nhất của một người lãnh đạo ở mọi độ tuổi là tầm nhìn. Nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn rõ ràng, khoáng đạt về cái đích mà họ muốn đến, mục tiêu họ muốn đạt được và truyền đạt lại kỹ lưỡng cho những người xung quanh. Tầm nhìn được coi như kim chỉ nam cho động lực và cảm hứng để mọi người vươn đến những tầm cao hơn nữa. Tầm nhìn là thứ để phân biệt nhà lãnh đạo và người phục tùng.

Tố chất quan trọng thứ hai của nhà lãnh đạo là sự can đảm. Vậy làm sao để rèn được lòng can đảm với người đứng ở vị trí lãnh đạo?

Ai cũng đều lo sợ

Sự thật là tất cả mọi người đều luôn lo lắng. Chúng ta lo lắng về đủ thứ, dù lớn hay nhỏ, hiện hữu hay không. Mark Twain từng nói, "Sự can đảm không phải là không sợ hãi, mà là kiểm soát và làm chủ được nỗi sợ". Trong thời kỳ khủng hoảng, bạn cần trở nên can đảm để có những lựa chọn và quyết định cứng rắn, để làm những điều cần thiết đảm bảo cho sự tồn tại và lợi ích của mọi người cũng như của tổ chức đang phụ thuộc vào bạn.

Điều tệ nhất mà nỗi sợ thất bại mang lại là khiến bạn bị tê liệt. Nó khiến con người rơi vào trạng thái sốc, giống như con nai bất động khi bị ánh đèn pin rọi vào. Nỗi sợ thất bại có thể khiến con người dù mạnh mẽ đến đâu cũng trở nên thiếu quyết đoán.

Làm những gì bạn thấy sợ

Ralph Waldo Emerson từng viết, "Nếu muốn thành công, bạn cần học cách đối diện với nỗi sợ. Nếu dám làm những gì mình sợ, bạn sẽ không còn thấy sợ hãi nữa".

Bạn sẽ có thể trở nên can đảm hơn bằng cách đối diện với nỗi sợ và làm những gì từng khiến bạn sợ hãi nhất. Trong kinh doanh, nỗi sợ lớn nhất (chỉ sau nỗi sợ phải sa thải hay bị sa thải, tổn thất về mặt tài chính hay bị phá sản) chính là nỗi sợ phải đối đầu.

Rất nhiều người sợ phải đưa ra quyết định cứng rắn, sợ phải giải quyết vấn đề với người khác một cách rõ ràng, minh bạch và thẳng thắn. Họ sợ những phản ứng tức giận, ngại tranh luận và mâu thuẫn. Việc không dám đối mặt với người khác, cả trong và ngoài việc kinh doanh, có thể hủy hoại cả doanh nghiệp.

May mắn là sự can đảm có thể tạo ra từ những hành động dũng cảm. Khi dám làm những điều bản thân sợ hãi, bạn sẽ thấy can đảm hơn. Trong cuộc sống, sự can đảm song hành cùng những hành động can đảm. Bạn trở nên can đảm khi tỏ ra can đảm cho dù bạn không hề cảm thấy như vậy.

Emerson viết, "Hãy cứ làm đi rồi ắt bạn sẽ có sức mạnh". Đừng sợ phải đưa ra những quyết định cứng rắn, đặc biệt là khi liên quan đến con người và chi phí.

Khi công việc kinh doanh của bạn gặp khủng hoảng, bạn cần cài đặt "chế độ khủng hoảng" cho mình. Bạn phải hành động như thể việc kinh doanh của mình đang trên bờ vực sụp đổ.

Nếu đứng trước nguy cơ phá sản, bạn sẽ làm gì để bảo vệ doanh nghiệp của mình? Bất cứ điều gì có thể được chuẩn bị để cứu lấy công ty của bạn trong tương lai, hãy thực hiện nó ngay. Đừng trì hoãn!

Hãy suy nghĩ và hành động tích cực trong việc bảo vệ công ty và tình hình tài chính của bạn. Đừng lo ngại về việc gián đoạn, giảm quy mô hay loại bỏ một vài hoạt động kinh doanh. Nếu cần thiết, đừng ngần ngại cắt giảm nhân sự, sa thải những người không cần thiết và không có năng lực. Nỗi sợ phải sa thải những nhân viên yếu kém đang nắm giữ vị trí quan trọng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của doanh nghiệp.

Dorothea Brande đã viết rằng lời khuyên quan trọng nhất cô từng nhận được là: "Hãy hành động như thể bạn bất bại, rồi bạn sẽ gặt hái được thành công".

Hai yếu tố tạo nên sự can đảm

Yếu tố đầu tiên là can đảm để tiến hành, để bắt đầu, để bước đi với niềm tin dù có chắn chắn về thành công hay không. Đây là yếu tố quan trọngvà thiết yếu tạo nên can đảm mà bạn cần rèn luyện để phát triển. Yếu tố thứ hai là kiên nhẫn đối mặt với nỗi thất vọng và thất bại tạm thời.

Việc bạn cần làm là trở nên can đảm để làm bất cứ điều gì trong tình thế nước sôi lửa bỏng, giải quyết vấn đề và thoát ra khỏi khủng hoảng. Đây là dấu hiệu, là bài sát hạch để tìm ra một nhà lãnh đạo thật sự.

Hãy hành động

1. Xác định những người, những tình huống hay hành động mà bạn sợ hãi, sau đó, hãy đối diện và vượt qua chúng.

2. Hãy làm ngay bất cứ điều gì có thể để tồn tại. Như Shakespeare từng viết, "Hành động chống lại bể rắc rối để kết thúc chúng".