p/Thực hiện chuyển đổi số khoa học mang lại hiệu quả, tỉ lệ thành công cao cho doanh nghiệp.
Báo cáo thường niên chuyển đổi số 2021 của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) đã nhận diện bốn hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số gồm: 01- Hạn chế về nguồn tài chính triển khai chuyển đổi số; 02-Thách thức trong thay đổi, điều chỉnh văn hóa tổ chức; 03-Hạn chế về nhận thức, năng lực triển khai; 04- Hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số.

Những khuyến nghị

Báo cáo đã đưa ra một số hướng khuyến nghị. Trước tiên, cần có các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ để các cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ thông tin về các giải pháp công nghệ số để quyết định lựa chọn.

Tiếp đến là cung cấp đầy đủ thông tin, minh bạch và phân tích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số về tất cả các khía cạnh trong chuyển đổi số (về tính sẵn sàng, hiệu quả của giải pháp kinh doanh số, phân tích các công nghệ số, rủi ro, kinh phí đầu tư...).

Ngoài ra, cần nghiên cứu các ví dụ thành công điển hình để lan tỏa, truyền cảm hứng, chia sẻ các kinh nghiệm và bài học rút cho cộng đồng doanh nghiệp hạn chế sai sót và tận dụng bài học thành công.

>>Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Thời điểm, thời gian đóng vai trò then chốt

Chuyển đổi số là quá trình doanh nghiệp chuyển từ trạng thái vận hành truyền thống sang trạng thái vận hành tương lai thông qua áp dụng công nghệ, công cụ, nền tảng hoặc mô hình số. Giữa hai trạng thái vận hành tương lai và hiện tại luôn luôn có khoảng cách về trình độ, năng lực, cơ sở hạ tầng, triết lý, phương thức và rất nhiều yếu tố khác của doanh nghiệp.

Chuyển đổi thành công đòi hỏi phải thay đổi, nâng cấp thậm chí trong nhiều lúc là thay thế mới tất cả các thành phần trong doanh nghiệp để phù hợp với trạng thái tương lai. Quản trị quá trình chuyển đổi có bản chất “Làm thế nào để vượt qua khoảng cách giữa hiện tại và tương lai của doanh nghiệp”. Thấu hiểu bản chất đòi hỏi các chủ doanh nghiệp cần phải có các đánh giá đo lường để nhận thức hiện trạng của doanh nghiệp và yêu cầu của tương lai đối với tất cả các thành phần nói trên.

Từ chẩn đoán bệnh đến triển khai

Nhằm giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đánh giá hiện trạng hiện tại và khoảng cách với hiện trạng tương lai khi chuyển đổi số, hai Bộ KH&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã song hành đưa ra hai bộ công cụ nhằm giúp cho doanh nghiệp thực hiện.

Bộ chỉ số DBI của Bộ TTTT có 6 trụ cột, 10 mục và 60 chỉ số. Bộ chỉ số đánh giá của Bộ KH&ĐT có 34 chỉ số dựa trên 07 vấn đề như: Định hướng chiến lược; Trải nghiệm khách hàng; Chuỗi cung ứng; Nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, kế hoạch, pháp lý và nhân sự; Hệ thống CNTT và quản trị dữ liệu; Quản lý rủi ro và an ninh mạng; Con người và tổ chức.

Bộ chỉ số DBI của Bộ TTTT dựa trên 6 trụ cột bao gồm: trải nghiệm số cho khách hàng; chiến lược; hạ tầng và công nghệ số; vận hành; chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp; dữ liệu tài sản và thông tin.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chọn lựa tiến hành đánh giá theo mô hình của Bộ KH&ĐT trước do đơn giản hơn. Bước tiếp theo sử dụng mô hình DBI của Bộ TTTT nhằm đánh giá sâu và chi tiết hơn trong doanh nghiệp.

Chuyển đổi số một doanh nghiệp cũng như một bệnh nhân đi khám bệnh. Trước khi chữa bệnh, người bác sỹ sẽ cho bệnh nhân đi xét nghiệm rất nhiều các chỉ số trong cơ thể.

Hoàn toàn tương tự như vậy, một doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số cần phải chẩn đoán hiện trạng của bản thân để từ đó nắm bắt tổng thể và dẫn tới các quyết định thực hiện chuyển đổi như thế nào. Bỏ qua giai đoạn chẩn đoán hiện trạng tiến thẳng tới triển khai và thực thi các giải pháp chuyển đổi có thể khiến chậm tiến độ, không đạt hiệu quả như mong muốn.