171 doanh nghiệp xin rút giấy phép kinh doanh

Theo Sở Du lịch TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến tháng 5/2021, Thành phố có tổng cộng 171 doanh nghiệp xin rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong đó có 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa.

Hàng trăm doanh nghiệp xin rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành d

Khó khăn do COVID-19, hàng trăm doanh nghiệp tại TP.HCM xin rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân đang duy trì hoạt động nhưng cắt giảm 50 - 80% lao động, ngay cả các doanh nghiệp lữ hành có vốn Nhà nước cũng hoạt động cầm chừng.

Sau hai đợt dịch bùng phát trong năm 2021, doanh thu lữ hành ở nhiều doanh nghiệp hiện chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Con số sụt giảm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.

Còn theo thống kê từ UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cho thấy, hiện chỉ còn khoảng 50% số lượng doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường đón khách quốc tế đã tạm ngưng hoạt động.

Mảng lưu trú du lịch cũng không sáng sủa hơn do lượng khách du lịch giảm mạnh, dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm. Các khách sạn từ 3-5 sao hoặc tương đương đều sụt giảm doanh thu lưu trú đến 70%, một số tạm ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings cho biết, các doanh nghiệp ngành du lịch đều trong thế kẹt là phải trả lương giữ chân người lao động trong khi doanh thu không phát sinh. Ước tính có hàng chục ngàn lao động phải nghỉ việc do dịch COVID-19. Ngay cả Vietravel, từ 1.700 nhân viên đến nay cũng chỉ có thể giữ chân được 50 nhân viên đủ để duy trì, vận hành bộ máy. 

“Doanh nghiệp ngành du lịch rất khó tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ, ngay cả với Ngân hàng Chính sách cũng không thể vì không đủ điều kiện về tài sản đảm bảo. Bởi bản chất của các doanh nghiệp du lịch lữ hành là chất xám, nên không có tài sản để thế chấp. Khi làm việc với các ngân hàng, họ cũng rất thiện chí, nhưng cũng không thể giải quyết được. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận đóng cửa”, ông Kỳ chia sẻ.

Doanh nghiệp sẽ được vay lãi suất 0%

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Sở Du lịch TP.HCM vừa đề xuất lên UBND TP.HCM các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó tập trung hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp du lịch có thể duy trì bộ máy vận hành, giữ chân người lao động.

Các doanh nghiệp du lịch sẽ được vay với lãi suất 0%, không cần tài sản thế chấp để trả lương người lao động.

Các doanh nghiệp du lịch sẽ được vay với lãi suất 0%, không cần tài sản thế chấp để trả lương người lao động.

Sở Du lịch đề xuất UBND Thành phố xem xét trình HĐND Thành phố chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách Thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TP.HCM hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch.

Chương trình này sẽ không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ, với mục đích để doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Trả lương để giữ chân người lao động là một trong những nhu cầu bức thiết hiện nay của các doanh nghiệp, trong khi doanh thu không phát sinh. Ước tính có hàng chục ngàn lao động phải nghỉ việc do dịch.

Theo tính toán của Sở Du lịch TP.HCM, hiện Thành phố có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với lãi suất 0%, mức hỗ trợ 50% lương tối thiểu vùng trong 3 tháng, thì quy mô khoản vay để trả lương cho người lao động lên đến 208 tỷ đồng.

Ngoài gói vay lãi suất 0%, Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong năm 2021. Dự kiến với 20 lớp, chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng, trong đó xã hội hóa 20% (khoảng 240 triệu đồng). Các lớp này dành cho quản lý và lao động trực tiếp tại các dịch vụ lữ hành, nhà hàng, lưu trú, hướng dẫn viên du lịch.

Với các điểm tham quan du lịch, nhóm bảo tàng, khu di tích là sự nghiệp công lập, Sở Du lịch đề xuất miễn phí tham quan cho khách du lịch trong mùa du lịch cuối năm, sau khi dịch được kiểm soát. Để bù đắp nguồn thu vé tham quan tại 5 đơn vị này, Thành phố sẽ hỗ trợ 21 tỷ đồng nguồn kinh phí chi trả lương cho người lao động và chi phí thường xuyên.

Ngoài giải pháp hỗ trợ tài chính, ngành Du lịch Thành phố sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch phục hồi du lịch TP.HCM sau dịch COVID-19 như: Tổ chức gian hàng và giới thiệu chương trình kích cầu du lịch TP.HCM tại Ngày hội Du lịch 2021; tham gia tháng khuyến mãi tiêu dùng TP.HCM; hoàn thiện và cập nhật website kích cầu du lịch và các ấn phẩm kích cầu du lịch.

Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Ngoài ra, thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ, 5 tỉnh miền Trung, các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc.

Theo dự kiến, thời gian hỗ trợ kích cầu sẽ bắt đầu từ tháng 8 đến hết năm 2021. Các điểm được đề xuất gồm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

"Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"