Xét nghiệm COVID-19 là phương pháp nhanh nhất để tìm ra ca bệnh. Ảnh: Quốc Tuấn

Xét nghiệm COVID-19 là phương pháp nhanh nhất để tìm ra ca bệnh. Ảnh: Quốc Tuấn

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM vào sáng 14/6, lãnh đạo TP đã thống nhất tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần. Sau 1 tuần thực hiện sẽ đánh giá lại, tùy tình hình có thể áp dụng Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19 tại một số khu vực.

Tính đến 13/6, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã có tổng cộng 53 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2. Đáng chú ý, đây là đơn vị tuyến đầu chống dịch ở phía Nam, được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine AstraZeneca (Anh) phòng COVID-19 cho khoảng 900 nhân viên. Đến nay, tất cả nhân viên đều đã hoàn thành xong mũi 2 vaccine. Được biết, đợt tiêm vaccine lần 1 diễn ra vào ngày 8/3 và đợt 2 hoàn thành từ giữa đến cuối tháng 4.

 

Đây có lẽ là lúc mà TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề nhất và thực sự “ốm” sau 4 lần dịch ập về trên cả nước. Hơn 800 ca tính đến chiều 14/6 thật sự là một con số thách thức cho thành phố trọng yếu nhất nhì đất nước này. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, TP.HCM và Bộ Y tế đã làm mọi cách có thể và nỗ lực nhiều cách để dịch không lây lan rộng, hạn chế số ca nhiễm nhưng đợt dịch này vẫn phức tạp chưa từng thấy.

Liên quan đến vấn đề này, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy cho biết : “Tiêm ngừa vaccine không thể bảo vệ người được tiêm khỏi mắc bệnh. Vaccine cũng như bất kỳ loại thuốc nào, đều có hiệu quả bảo vệ dao động từ 75% đến 90% hoặc 95% mà thôi”. 

Đại diện của hãng sản xuất vaccine AstraZeneca cho biết, sau hai liệu trình thử nghiệm, vaccine COVID-19 AstraZeneca được chứng minh dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19.

Công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được thực hiện khẩn trương tại Việt Nam.

Công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được thực hiện khẩn trương tại Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn

 

Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy, từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine của AstraZeneca giúp bảo vệ tối đa khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19. Trong 90 ngày sau liều đầu tiên, hiệu lực của vaccine đạt được 76% và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vaccine tăng lên 81%. Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.

Lúc này, chúng ta phải thừa nhận rằng, dù TP.HCM có cố gắng ra sao, nhà nước dù cố gắng cách nào, có thể đến kiệt sức, kiệt quệ nhiều thứ cũng chưa thể kiểm soát tuyệt đối hết số lượng F0, với tốc độ lây nhiễm của biến thể Ấn hiện nay. Đó là sự thật cần nhìn nhận một cách nghiêm túc và đúng chuẩn mực.

Bởi chỉ cần 1 ca F0 “lang thang” trong 2 ngày là có thể tạo ra 10 F0 khác, trong 5 ngày thì “lãi mẹ đẻ lãi con”, cứ thế nhân lên như mô hình đa cấp. Một người nhiễm bệnh được phát hiện thường kéo theo gấp 10 lần những F1 phải cách ly, xét nghiệm 3 lần. Chưa kể phía sau là những F2, F3, F4, F5…

Điều này cũng có nghĩa, đừng nghĩ vaccine là thần dược cứu cánh. Vì chính những nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca (Anh), vẫn nhiễm bệnh. Rất ít người biết rằng, lợi ích lớn nhất của việc tiêm vaccine là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh, chứ không phải là hoàn toàn tránh được bệnh.

Đó là sự thực đã được kiểm nghiệm từ thống kê, thì có 60 – 80% người nhiễm COVID-19 không hề có dấu hiệu gì, như em sinh viên được phát hiện mắc bệnh sau vụ tai nạn ở Tiền Giang là một ví dụ. Virus vô hình với mọi người, nó có thể vô hại trên chính bản thân người nhiễm không triệu chứng nhưng bất chợt nó gây họa cho người khác.

TP HCM thống nhất tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần

TP HCM tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần

Vì thế, muốn sống sót qua dịch bệnh, phải tự mặc định TP.HCM đang là chảo lửa, mỗi người dân ở đây như một bấc dầu, chỉ cần chạm nhẹ thôi sẽ bùng cháy. Theo đó, TP đang cần nhiều thêm những chính sách “đỡ đần” qua hoạn nạn, nhất là nên được ưu tiên vaccine và giảm bớt thuế phí.

Dĩ nhiên, đây không phải là lúc ngồi kêu ca, than phiền hay trách móc, mà cần hơn những tấm lòng thấu cảm, nhiều điều sẻ chia đồng lòng chống dịch, để cùng nhìn về những ngày không còn giãn cách, bớt các ca nhiễm và TP.HCM yên lành.

Hãy nhớ, TP.HCM “khỏe” trong đại dịch, cả nước sẽ ổn và rất nhiều tỉnh thành sẽ an toàn.