"Chủ trương đăng cai SEA Games 31 tại TP.HCM được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đồng tình cao. Đề án đăng ký tổ chức SEA Games 31 cũng được các bộ có ý kiến, nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức SEA Games 31", Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết.

Phối cảnh nhà thi đấu Phan Đình Phùng-Một trong những dự án đang được thi công

Phối cảnh nhà thi đấu Phan Đình Phùng-Một trong những dự án đang được thi công

Tuy nhiên cũng theo ông Phong, do khả năng đầu tư các công trình không kịp hoàn thành phục vụ SEA Games 31 nên TP HCM xin rút lui không đăng cai tổ chức SEA Games tại TP HCM.

Hiện tại, cơ sở vật chất hiện hữu của TP.HCM như Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng, Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ không đảm bảo đáp ứng; đặc biệt công trình trọng điểm là Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Quốc gia Rạch Chiếc vẫn còn nằm trên "giấy". Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng TP có thể sắp xếp kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào các công trình nêu trên nhưng vấn đề là phải thực hiện theo quy trình thủ tục, phải tiến hành đấu thấu theo đúng quy định của pháp luật. Vì lẽ đó, đến năm 2021, các công trình khó có thể hoàn thành, phục vụ SEA Games.

Được biết, dự án Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc có chủ trương đầu tư từ năm 1994. UBND Thành phố quyết định xây dựng dự án trên diện tích trên tổng thể 212 ha. Trong đó, 180 ha sẽ dùng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật. Phần còn lại sẽ dành cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu đầu tư vào công trình phức hợp nằm trong khuôn viên của Khu liên hợp.

Thành phố dự kiến đến hết quý I/2018 sẽ đi vào xây dựng dự án nói trên. Theo quy hoạch, siêu dự án này các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như: Sân vận động 50.000 chỗ thi đấu bóng đá và thi điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp, hồ bơi... có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Ngoài ra, nơi đây còn có công viên giải trí phục vụ nhu cầu của người dân. Dự kiến, tổng vốn đầu tư của dự án Khu Liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc khoảng 34.000 tỉ đồng. UBND TP.HCM sẽ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2017-2020 với tổng chi phí gần 7.000 tỉ đồng để các nhà đầu tư triển khai dự án. Đây là dự án quan trọng trong đề án đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) của TP.HCM và một khi dự án chưa "nhúc nhích" thì khả năng đăng cai SEA Games 31 của TP HCM sẽ bị hạn chế.

Trong khi đó, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận dự án xây Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (số 8 Võ Văn Tần, quận 3). Đây cũng là một trong những công trình thể thao được TP HCM đầu tư hướng đến phục vụ SEA Games 31 diễn ra vào năm 2021. Tổng mức đầu tư khái toán thời điểm đó là vào khoảng 988 tỷ đồng. Đến năm 2013, UBND TP chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình, tổng mức đầu tư dự án lên gần 1.353 tỷ đồng. Theo quan sát, đến nay tiến độ thi công dự án cũng không đạt được như cam kết đề ra do xuất phát từ vốn đầu tư của nhà thầu.

Được biết, theo kế hoạch luân phiên giữa các nước Đông Nam Á, SEA Games 31 năm 2021 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Hà Nội đã nhận đăng cai và TP HCM cũng bày tỏ mong muốn đăng cai tổ chức. Theo chủ trương, TP HCM sẽ sử dụng ngân sách của thành phố hoặc mời gọi ngân sách xã hội hoá, đồng thời, kết hợp sử dụng cơ sở vật chất hiện có và có thể liên kết một số tỉnh-thành phố lân cận để đáp ứng yêu cầu phục vụ SEA Games. 

SEA Games 31 nếu không có gì thay đổi sẽ diễn ra vào tháng 11/2021, sau khi cờ Đại hội Thể Thao Đông Nam Á được phất tại Philippines vào năm 2019. Kế hoạch rút lui đăng cai của TP HCM có lẽ đã nằm trong dự tính khi cách đây không lâu, Thường trực Chính phủ đã nhất trí Việt Nam sẽ đăng cai SEA Games 31 và giao cho Hà Nội tổ chức đại hội.