Quan hệ Mỹ - Trung đang rơi vào trạng thái căng thẳng

Quan hệ Mỹ - Trung đang rơi vào trạng thái căng thẳng

Kể từ khi ra tranh cử năm 2015, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện với cử tri Mỹ rằng, ông luôn là một người bảo vệ lợi ích của người Mỹ tốt hơn, khôn ngoan hơn, và cứng rắn hơn bất kỳ cựu Tổng thống Mỹ nào. Ông biết rằng, tỷ lệ ủng hộ ông phụ thuộc vào khả năng của ông trong việc thúc đẩy quyền lợi của cử tri Mỹ- những người tin rằng cạnh tranh thương mại đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ. Trên mặt trận này, Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm của Mỹ.

Ông Trump lập luận rằng, an ninh kinh tế là an ninh quốc gia. Đó là lời cảnh báo của ông đối với Bắc Kinh rằng, khắc phục những sai lầm trong quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Trung là ưu tiên hàng đầu của ông. Những động thái đầu tiên của ông sẽ bao gồm thông báo về hành động cưỡng chế thương mại và những hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc trong những tuần tới. Ông sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận giữa Quốc hội và Nhà Trắng về cải cách quá trình chính phủ Mỹ chấp thuận những đề xuất đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, ông Trump cũng sẽ đề nghị Bắc Kinh thay đổi các quy tắc để chấm dứt tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ (IP).

Với những thay đổi này, ông Trump hy vọng sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc nghiêm túc hơn các khiếu nại thương mại của Mỹ. Ông Trump sẽ bắt đầu bằng việc thông báo các loại thuế quan mới và các hạn chế khác nhằm vào các sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Chỉ khi những động thái này không giành được sự nhượng bộ từ phía Bắc Kinh, ông mới đe dọa gây khó khăn cho hoạt động thương mại và đầu tư vào Mỹ của các công ty Trung Quốc. 

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn quảng bá Trung Quốc là một nước hàng đầu thế giới về thương mại và đầu tư xuyên biên giới; đồng thời cảnh báo rằng, Washington đang đi theo con đường bảo hộ nguy hiểm. Trung Quốc chắc chắn sẽ thách thức những hành động của Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trên thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều có lý do chính đáng để thỏa hiệp. Ông Tập sẽ chống lại những thay đổi ngăn không cho chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm xây dựng một nền kinh tế Trung Quốc hiện đại, năng động. Nhưng ông cũng sẽ không làm suy yếu đồng Nhân dân tệ nhằm giành lợi thế chiến thuật hay chỉ đạo cắt giảm mua trái phiếu kho bạc Mỹ một cách đáng kể. Thay vào đó, Chủ tịch Tập có thể đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump, đề nghị cho phép các công ty Mỹ mở rộng tiếp cận thị trường Trung Quốc mà không buộc họ phải chia sẻ IP và công nghệ. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng có lý do để thỏa hiệp. Ông muốn giành được những nhượng bộ từ phía Trung Quốc để tuyên bố chiến thắng mà không gây nguy hiểm cho những chỉ số kinh tế mạnh mẽ mà ông tin rằng có thể nâng cao tỷ lệ ủng hộ ông.

Vấn đề là ở chỗ, mỗi bên đều tin rằng bên kia dễ bị tổn thương hơn. Các quan chức của chính quyền Trump tin rằng Trung Quốc cần sự tiếp cận liên tục vào thị trường Mỹ để tránh một sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng  có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị. Ngược lại, các quan chức Trung Quốc tin rằng Chủ tịch Tập phải đối mặt với ít áp lực hơn Trump- người phải lắng nghe những lời than phiền liên tục từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ và sẽ sớm đối mặt với các cử tri một lần nữa trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 sắp tới. Nguy cơ xung đột gia tăng khi mỗi bên tin rằng mình đang nắm đằng chuôi.

Đừng mong đợi một giải pháp nhanh chóng. Cả hai bên đều không muốn tỏ ra yếu đuối, cả trong và ngoài nước. Căng thẳng quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có hồi kết. Nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung, thì có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước.