>>> Chính sách tiền tệ Việt Nam nhìn từ ảnh hưởng của Fed

NHNN có thể sẽ phải tăng tiếp lãi suất điều hành để giải tỏa áp lực lạm phát và đặc biệt là tỷ giá.

 NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành, với mỗi lần tăng 1%.

NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành, với mỗi lần tăng 1%.

Áp lực lớn

FED vừa quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lên 3,75- 4%. Động thái này của FED đã đẩy USD -Index lên quanh ngưỡng 110 điểm- mức cao nhất trong 20 năm qua.

Thị trường tiền tệ Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 540 đồng/USD (tương đương tăng 2,35%), trong khi giá bán ra USD của các nhà băng tăng tới 2.200 đồng/USD (tương đương tăng 10%).

Trước bối cảnh trên, NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành với mỗi lần tăng 1%. Mặc dù vậy, áp lực lên tỷ giá vẫn còn rất lớn, nguyên nhân chủ yếu do USD tiếp tục tăng khi FED được dự báo có thể sẽ tăng lãi suất vượt 5%, dù quy mô tăng lãi suất có thể giảm bớt. Chưa kể, nhu cầu ngoại tệ thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm nay.

Để kiểm soát mức độ mất giá của VND, NHNN có thể bán dự trữ ngoại hối để can thiệp hoặc tăng lãi suất. Mặc dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng mạnh trong một số năm gần đây, song vẫn còn khá mỏng nên chắc chắn NHNN sẽ rất hạn chế việc sử dụng dự trữ ngoại hối. Vì lẽ đó, tăng lãi suất là giải pháp khả thi nhất vừa để giải tỏa áp lực đến tỷ giá, vừa có tác dụng kiềm chế lạm phát. “Sức ép tăng lãi suất đang rất lớn, dù NHNN đã nới biên độ tỷ giá”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính nhấn mạnh.

Giảm mức tăng lãi suất

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp tục tăng lãi suất điều hành là khó tránh khỏi, nhưng NHNN nên có lộ trình thích hợp và giảm quy mô tăng lãi suất điều hành để tránh gây áp lực tăng chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Bởi FED cũng đang tính tới khả năng cắt giảm quy mô tăng lãi suất trong các kỳ họp sắp tới.

“Doanh nghiệp chúng tôi chưa phục hồi hoàn toàn trở lại sau cú sốc COVID-19, nay lại chịu thêm áp lực tăng chi phí đầu vào và chi phí lãi vay, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh rất khó khăn”, đại diện một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tại Hà Nội kiến nghị.

Ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cũng khuyến nghị, trong bối cảnh nhiều áp lực hiện tại, điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức linh hoạt. Một mặt, NHNN vẫn nên điều chỉnh biên độ tỷ giá, mặt khác vẫn phải tăng lãi suất ở mức độ thích hợp nếu thấy cần thiết.