FD

Việt Nam đã trải qua một năm thật sự khó khăn.

Đó là nhận định được nhóm phân tích HSBC đưa ra trong báo cáo mới nhất Vietnam at a glance – Kết thúc có hậu cho một năm khó khăn. Như thông lệ, ba ngày trước thềm năm mới 2022, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á công bố số liệu kinh tế, xã hội năm 2021. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4/2021 tăng mạnh mẽ 5,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo tăng trưởng của thị trường (HSBC: 3,8%; Bloomberg: 3,9%). Nhờ vậy, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,6% trong 2021, con số này phản ánh một kết quả tích cực trong một năm quá nhiều thách thức dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

Xét cho cùng, Việt Nam đã trải qua một năm thật sự khó khăn, đặc biệt là với Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) - trung tâm thương mại của cả nước và các tỉnh lân cận sau bốn tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài tới tháng 10. Tuy nhiên, tin tốt là “cơn bĩ cực” này có vẻ đã lùi vào quá khứ.

Rõ ràng, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong năm 2021. Sau khi quý 3 ghi nhận mức độ thu hẹp sản xuất nặng nề nhất trong vòng một thập kỷ, hoạt động sản xuất đã phục hồi tốc độ mở rộng như trước thời điểm xuất hiện biến chủng COVID-19 Delta, sản xuất của Qúy 4 tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2021, với mức tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng sản xuất tiếp tục là trụ cột kinh tế quan trọng của Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

>> Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2022

Hoạt động sản xuất phục hồi tích cực cũng phản ánh sự cải thiện trong lĩnh vực xuất khẩu. Sau giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt trong quý 3, xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng, tăng gần 19% trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu dệt may và da giày mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng đã lấy lại phong độ như thời điểm trước khi xuất hiện biến chủng Delta.

Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu Việt Nam tăng 19%, nhờ xuất khẩu điện tử và máy móc vững vàng, cho thấy nhu cầu trên thế giới vẫn gia tăng và chuỗi cung ứng ổn định ở phía Bắc nơi hội tụ các tập đoàn công nghệ lớn.

Mặc dù vậy, lợi thế cán cân thương mại của Việt Nam đã thu hẹp trong năm 2021. Bất chấp xuất khẩu tăng cao kỷ lục, Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian nên nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục, tương đương 26% trong năm 2021. Điều đó dẫn đến thặng dư thương mại ở mức nhỏ tương đương 4,6 tỷ USD. Trong khi dữ liệu cán cân thanh toán (balance of payment – BoP) của cả năm chưa được công bố, mức thặng dư nhẹ này nhiều khả năng không bù đắp được mức thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính. Như vậy, Việt Nam có thể sẽ ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai nhẹ trong năm 2021, khoảng 0,5% GDP, dẫn đến áp lực lên đồng VNĐ.

Ngoài phục hồi sản xuất, ngành dịch vụ của Việt Nam cũng thay đổi vị thế, từ “gánh nặng” trong quý 3 chuyển sang vai trò đóng góp chủ lực trong quý 4. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng nhất trong các lĩnh vực. Một mặt, các hoạt động y tế và công tác xã hội và tài chính vàngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng, như bán buôn và bán lẻ, cũng phục hồi sau đợt lao dốc hồi quý 3 khi nền kinh tế từng bước mở cửa từ 1/10/2021. Sau tất cả, các chỉ số về khả năng đi lại của người dân đã thoát khỏi mức đáy 60% trong tháng 9 tăng lên 20% (thay đổi so với trước đại dịch) vào cuối năm 2021. Điều này góp phần giúp doanh số bán lẻ khởi sắc, khép lại năm với một quý tăng nhẹ, tính trên bình quân ba tháng.

Mặc dù vậy, chi tiêu cho hàng hóa không thiết yếu vẫn còn thấp, có thể thấy như doanh số xe hơi sụt giảm. Mặc dù chỉ số phản ánh khả năng đi lại của người dân đã dần tăng lên nhưng cũng phải mất một thời gian nữa mới trở lại mức như trước đại dịch.

Phần lớn nguyên nhân là do những rủi ro COVID-19 vẫn còn đó, đặc biệt là những lo ngại về biến chủng Omicron ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác nữa là do thị trường lao động vẫn còn biến động. Trong khi các chỉ số cùng cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong quý 4, tỷ lệ thất nghiệp tăng và thu nhập giảm khiến tiêu dùng cá nhân không mấy sôi động, nhóm phân tích ước tính chỉ đạt khoảng 2% trong năm 2021. Vì vậy, có thể cần xem xét triển khai thêm các gói hỗ trợ tiền trực tiếp, đặc biệt hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn.

Ở ngành du lịch, mặc dù Việt Nam đã nỗ lực mở cửa một số điểm đến từ tháng 11, ngành du lịch vẫn còn khá ảm đảm. Lượng khách du lịch đạt trên 15.000 trong tháng 12, chủ yếu là khách đến từ Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc, hai thị trường chính của Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng vẫn còn khiêm tốn so với thời điểm trước đại dịch.

Dịch vụ vận tải hầu như không tăng trưởng trong quý 4, trong khi dịch vụ lưu trú tiếp tục sụt giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Phải mất thêm một thời gian nữa mới trở lại được như thời trước đại dịch: vận tải và dịch vụ lưu trú sụt giảm 7% và 30% so với năm 2019, trở thành hai nhóm ngành làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Mặc dù vậy, năm mới 2022 có thể mang đến niềm hy vọng mới cho hai ngành này khi Việt Nam mở lại đường bay thương mại đến tám thị trường chính từ 1/1/2022 sau hai năm tạm ngưng.

Kỳ 2: Cẩn trọng với các rủi ro