>>Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp

Thông tin tới  Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Trung Nam Group (TNG) cho biết: Công ty Mua bán điện (EVN) đã có văn bản gửi Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam thông báo dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá (172MW/450MW) của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam công suất 450MW (Ninh Thuận), như vậy Trung Nam chỉ được phát 60% công suất lên lưới từ ngày 01/9, quyết định này là bất công với TNG, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, Quyết định cắt 172,12/450 MW của Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam được đưa ra vào cuối tháng 8, việc này sẽ khiến TNG mất đi 40% công suất dự án với số tiền lên tới 2 tỷ đồng/ngày. Đây là một con số rất lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính của dự án, chưa kể việc này gây ra sự lãng phí vô cùng nghiêm trọng cho nguồn lực xã hội vì hiện tại, Việt Nam chưa có một hình thức tích trữ nào cho các loại hình năng lượng tái tạo, khi công suất khai thác không được huy động hay sử dụng thì sẽ mất đi ngay ở thời điểm đó, vì thế nó còn ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp.

Phân trần về những khó khăn của doanh nghiệp chịu tác động từ chính sách ngắt quãng, đại diện Trung Nam Group cho biết; ngoài room 2000 MW (được hưởng giá bán điện ưu đãi cho riêng tỉnh Ninh Thuận theo Quyết định số 13) thì sản lượng công suất của các nhà máy tại khu vực này đã bị bỏ lửng gần 02 năm nay vì chưa có cơ chế giá mới cho các dự án điện. Với Trung Nam Dự án Nhà máy ĐMT 450MW (Ninh Thuận) là dự án có điều kiện và được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và đã vận hành ổn định gần 02 năm qua. Hơn thế, Trung Nam đã thực hiện đầy đủ các điều kiện về truyền tải, trong suốt quá trình xây dựng và vận hành nhà máy này, trong đó bao gồm việc xây dựng và vận hành trạm biến áp 500kV cùng đường dây 220kV đảm bảo giải tỏa công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và các địa phương lân cận. Hiện TBA này vẫn đang được TNG vận hành, bảo trì bằng nguồn vốn tự xoay xở.

>>EVN đề xuất các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện

Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam mong Chính phủ sớm có cơ chế chuyển tiếp cho dự án năng lượng tái tạo

Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam mong Chính phủ sớm có cơ chế chuyển tiếp cho dự án năng lượng tái tạo

Tuy nhiên, việc dừng khai thác số công suất 172,12/450 MW bằng thông báo đột ngột mới đây từ EVN, là bất công với doanh nghiệp. Bởi khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của Công ty mua bán điện đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của Nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải do Trung Nam đầu tư. Theo công ty này, việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.

Bên cạnh đó, TNG cho rằng, thông báo này sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi phải tính toán phương án tự cân đối, cũng như bị động trong thời gian chờ đợi các quyết định từ EVN.

“Trong khi đó, số công suất 172,12 MW vừa có thông báo dừng khai thác, (mà thực tế trước đó đã được EVN ghi nhận lên hệ thống từ ngày nhà máy hoạt động) đến nay Trung Nam vẫn chưa nhận được tiền thanh toán bán điện cho EVN, lý do được đưa ra là chưa có cơ chế giá mới. Về bất cập này chúng tôi vẫn đang chờ đợi cơ chế giá mới từ Chính phủ, đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng để tháo gỡ vấn đề này và hy vọng công suất nhà máy sẽ sớm được huy động trở lại” - đại diện Trung Nam bày tỏ.

Bài tiếp: Doanh nghiệp mong sớm có giá cho các dự án chuyển tiếp