Thỏa thuận nói trên được coi như cú đòn gián tiếp vào các chính sách của ông Biden đối với Trung Quốc và EU trong thời gian tới.

 Trung Quốc và EU vừa ký kết thỏa thuận đầu tư. (Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trao đổi với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị trực tuyến. Ảnh: dw.com)

Trung Quốc và EU vừa ký kết thỏa thuận đầu tư. (Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trao đổi với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị trực tuyến. Ảnh: dw.com)

Bản chất của thỏa thuận

Bất kỳ một thỏa thuận kinh tế nào cũng ngầm khẳng định mối quan hệ ngoại giao giữa các bên đang tốt lên. Chưa tính đến lợi ích kinh tế, giờ đây EU và Trung Quốc đang cho thấy họ bắt đầu có niềm tin lẫn nhau.

Với thỏa thuận này, Trung Quốc phải mở cửa thị trường rộng hơn cho hàng hóa của EU và ngược lại; đồng thời phải cam kết đảm bảo các tiêu chuẩn lao động chung.

Song có điều, Bắc Kinh không đáp ứng đòi hỏi của EU về việc doanh nghiệp của khối này được bình đẳng tham gia đấu thầu các dự án đầu tư và mua sắm công cũng như bảo hộ đầu tư ở Trung Quốc.

Đây chỉ là một thỏa thuận, chứ chưa phải là Hiệp định, nên có thể nói Trung Quốc chẳng hao tổn gì nhiều. Tuy nhiên, có lẽ thứ mà hai bên hướng đến dường như nằm ngoài khung khổ thỏa thuận này.

Với Bắc Kinh, việc trở nên thân thiết hơn với EU là sự chuẩn bị lực lượng cần thiết để đối đầu với Washington trong bối cảnh ông Joe Biden sẽ chưa chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc khi lên nắm quyền Tổng thống Mỹ. Do đó, ít ra trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có cơ hội tiến vào EU dễ dàng hơn.

Với EU, họ đã quá mệt mỏi với đại dịch COVID-19 và 4 năm chung sống với chính sách khó chịu của ông Trump. EU có thể dùng thỏa thuận này để “nâng cao vị thế” trong quan hệ với Mỹ.

Trong mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay, bên nào lôi kéo được nhiều đồng minh hơn bên đó sẽ chiếm thế thượng phong. Rõ ràng, EU là đồng minh rất hữu hiệu để được săn đón và chiều chuộng.

Đòn "dạm ngõ" với Biden

Trong quý III/2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU khi COVID-19 làm gián đoạn nền kinh tế Mỹ, trong khi Trung Quốc trên đà phục hồi.

Thật ra, mâu thuẫn hệ thống giữa EU và Trung Quốc còn khó tháo gỡ hơn mâu thuẫn Trung - Mỹ. Bởi EU là một khối bao gồm hàng chục quốc gia thành viên. Do đó, luật pháp, thể chế, văn hóa, truyền thống, lợi ích hai bên quá khác biệt để có thể đặt bút ký vào FTA kiểu mới.

Như vậy có nghĩa, mối quan hệ kinh tế hai bên chỉ dừng lại ở mức thỏa thuận, trong đó tồn tại những điều khoản không lấy gì làm chắc chắn, có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào.

Nói cách khác, Trung Quốc và EU đang liên thủ tạm thời để tác động gián tiếp đến các chính sách của Biden khi lên nắm quyền. Theo đó, nếu Washington "làm căng” với Bắc Kinh, thì họ đã có “bạn đồng hành” Brussels.

Ngay sau khi Trung Quốc và EU ký kết thỏa thuận nói trên, đội ngũ của Biden đã bày tỏ lo ngại về việc EU xích lại gần Bắc Kinh và thúc giục Brussels tham luận với Nhà trắng.