>> Tiếp tục tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế?

Mới đây, Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tuyên bố đã triển khai lực lượng “xua đuổi” tàu khu trục USS Benfold của Mỹ.

Theo Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ cáo buộc tàu khu trục Mỹ đã “xâm phạm trái phép lãnh thổ của Trung Quốc khi đi vào vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa”. Phía Trung Quốc tố động thái này của Mỹ đã gây tổn hại hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Đáp lại, hãng tin Reuters dẫn thông báo của Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Benfold “thực thi các quyền và tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”. Mỹ thường xuyên triển khai hoạt động thuộc chiến dịch “Tuần tra bảo vệ tự do hàng hải” (FONOP) ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Tàu khu trục USS Benfold của Hải quân Mỹ - Ảnh: REUTERS

Tàu khu trục USS Benfold của Hải quân Mỹ - Ảnh: REUTERS

Có thể thấy, căng thẳng Biển Đông vẫn tiếp tục là trò “mèo vờn chuột” giữa Trung Quốc và Mỹ. Hai bên đều nỗ lực “phô trương cơ bắp”, dằn mặt nhau thông qua từng đợt tập trận bắn đạn thật, điều tàu chiến, tiêm kích chiến đấu đến các vùng biển tranh chấp... theo lý lẽ riêng của mình.

Thực tế, Trung Quốc đang mở rộng lãnh hải trái phép trên Biển Đông và đã khẳng định yêu sách chủ quyền với hơn 90% vùng biển và các thực thể ở Biển Đông thông qua “đường 9 đoạn” hay còn được biết đến với tên gọi “đường lưỡi bò”. “Đường 9 đoạn” vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nghiêm trọng và vấp phải sự phản đối của nhiều nước Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông đó, Trung Quốc đã cố ý thay đổi cách hiểu về lịch sử nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này. Trong đó, có cái gọi là chiến thuật vùng xám đã được Trung Quốc áp dụng nhằm áp đặt những tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình.

Song song, Trung Quốc đã tạo ra nhiều hòn đảo nhân tạo trên khắp khu vực này, sử dụng làm căn cứ quân sự và để củng cố các tuyên bố phi pháp của mình. Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân quân biển (PAFMM), hạm đội đánh cá có vũ trang làm tác nhân vùng xám để khẳng định các yêu sách chủ quyền…

Tàu khu trục USS Benfold của Mỹ hoạt động tại Biển Đông ngày 20.1<p/>HẢI QUÂN MỸ

Tàu khu trục USS Benfold của Mỹ hoạt động tại Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ

>> Những hoạt động quân sự đáng ngại của Trung Quốc trên Biển Đông

>> Lại tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc toan tính gì?

Kể từ năm 2012, Trung Quốc bắt đầu tăng cường sử dụng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông. Sự leo thang này bao gồm việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012, mở rộng xây đảo nhân tạo, tăng cường sử dụng hải cảnh và PAFMM ở Biển Đông.

Chuyên gia Poling nhấn mạnh: “Tất cả những hành động này là hoàn toàn bất hợp pháp, nếu xét theo UNCLOS năm 1982”. Là thành viên của UNCLOS nhưng Trung Quốc lại đưa ra các tuyên bố vi phạm quyền của tàu thuyền, máy bay và công dân Mỹ, đồng thời đe dọa làm suy yếu luật pháp hàng hải quốc tế.”

Dĩ  nhiên, Biển Đông được ví như “siêu xa lộ hàng hải” với các hoạt động giao thương hàng hóa tấp nập. Do đó, hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên trong khu vực là rất quan trọng để xây dựng sự quản trị hàng hải tốt. Mỹ đã liên tục thực hiện tự do hàng hải này để ghìm chân bước tiến của Trung Quốc.

Mỹ đã ứng phó bằng cách thực hiện nhiều hoạt động hơn trong khu vực. Các chiến dịch Tự do hàng hải (FONOPS) của Mỹ đã tăng từ con số 0 vào năm 2014 đến mức cao nhất mọi thời đại là 10 vào năm 2019. Hải quân Mỹ đang duy trì 60% hạm đội tàu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thực hiện 3 sứ mệnh tác chiến tàu sân bay trong khu vực.

Bên cạnh đó, để đáp trả lại hành động ngang ngược của Trung Quốc, khong chỉ Hải quân, mà Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cũng đề xuất quy tắc để giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức và các vấn đề về quyền lao động khác trong ngành thủy sản. Theo đó, các quy tắc mới ban hành của NOAA sẽ đảm bảo tính nhất quán với kế hoạch hành động quốc tế của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn, xác định và loại bỏ đánh bắt cá trái phép.

Theo thông cáo, Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam, Ecuador, Panama, Senegal và đảo Đài Loan về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gọi tắt là IUU trong thuật ngữ về môi trường. Kế hoạch sẽ được công bố vào cuối tháng 7/2022.

Đặc biệt, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden nói sẽ hợp tác với Việt Nam để chống đánh bắt cá trái phép, trong bối cảnh đội tàu cá hùng hậu “không nể mặt ai” của Trung Quốc đang vét sạch Biển Đông cũng như tận diệt tài nguyên biển khắp thế giới. Sự kiện này không khác gì “vỗ mặt” Bắc Kinh khi nước này đang đang lợi dụng lực lượng PAFMM để hạn chế sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh tuần duyên Mỹ sẽ “đóng vai trò thiết yếu” trong việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuần duyên Mỹ sẵn sàng bắt tay với nhiều nước trong khu vực để đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây được xem là một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc và chiến lược vùng xám mà Trung Quốc đang sử dụng để thúc đẩy yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông.

Với những diễn biến trên Biển Đông, căng thẳng giữa quân đội Mỹ - Trung ở vùng biển chiến lược này sẽ tiếp tục gia tăng. Trò chơi “mèo vờn chuột” chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.

Vấn đề ở chỗ, dường như hai cường quốc quên mất Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam, nên mọi hoạt động tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều phải có sự cho phép của Việt Nam.

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.