Trung Quốc đang có lợi thế hơn Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương

Trung Quốc đang có lợi thế hơn Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương

Trong vòng vài tháng, Bắc Kinh đã đánh hai nước cờ quan trọng nhằm củng cố vị thế của họ ở châu Á - Thái Bình Dương. Đó là thúc đẩy ký kết Hiệp định RCEP và sửa đổi Luật hải cảnh.

Bộ Luật Hải cảnh cho phép lực lượng cảnh sát biển nổ súng với tàu nước ngoài nếu như xâm phạm những vùng biển mà Trung Quốc xem đó là chủ quyền của mình, dĩ nhiên trong đó có không gian thuộc “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.

Cần nói thêm, đơn phương luật hóa một sự việc mang tính quốc tế là chuyện không phải đơn giản. Nói cách khác điều đó thể hiện ý chí bá quyền trên biển của chính quyền Trung Quốc.

Với sự kiện này, Bắc Kinh đặt mối quan hệ với các láng giềng Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vào tình thế khó xử. Cần làm gì để tránh nổ súng? Sẽ thế nào nếu Trung Quốc nổ súng trước?

Liệu các nước nhỏ, yếu hơn có dũng cảm dùng vũ khí để “đối đáp” bảo vệ chủ quyền trong khi Trung Quốc hầu như không quan tâm hoặc cố ý trì hoãn đàm phán các quy tắc ứng xử hòa bình và Luật biển! Bài toán này rất khó giải.

Bộ Luật này còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Washington và đồng minh. Biển Đông không những giàu dầu mỏ khí đốt nhất thế giới mà còn là tuyến đường hàng hải quốc tế quan trong nhất.

Đặc biệt eo biển Malacca và 3 eo biển thuộc chủ quyền của lndonesia là Sunda, Blombok, Makascha vận chuyển khối hàng hóa trị giá 31 tỷ USD mỗi năm cho các nước ASEAN, các nước công nghiệp mới, Nhật Bản, Trung Quốc.

Nếu khủng hoảng an ninh nổ ra ở khu vực này các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới!

Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương và kế hoạch “Bộ tứ kim cương” của Mỹ sẽ bị cản trở. Nếu Mỹ và đồng minh không trở thành đối trọng tại vùng biển này thì mối đe dọa với các nước nhỏ càng lớn hơn.

Trung Quốc có hai gọng kìm kinh tế và chính trị

Trung Quốc có hai gọng kìm kinh tế và chính trị

Khi RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) được ký kết, nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế đã nhận định “với Hiệp định này Trung Quốc đã cản trở thành công sự trở lại của Mỹ đối với Đông Nam Á”.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, Bắc Kinh đã nhanh hơn Mỹ một bước trong việc siết chặt quan hệ với ASEAN, thực chất của Hiệp định này là Trung Quốc đã tạo ra được một thị trường thương mại hai chiều khổng lồ với đầy đủ cam kết.

Trong cuộc chơi này chính Bắc Kinh là bên chủ trì, với một nền kinh tế có sức sản xuất khổng lồ - Trung Quốc sẽ biến nhiều thành viên thành lệ thuộc không thể dứt ra để ngả về phương Tây.

Hiệp định RCEP có quy mô kinh tế lớn nhất hiện nay cộng với khối tiền khổng lồ mà Bắc Kinh chi cho các nước ASEAN vay nhiều năm nay dưới dạng đầu tư, viện trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính là gọng kìm kinh tế chặt chẽ.

Từ kiểm soát kinh tế, Bắc Kinh sẽ hạn chế tiếng nói phản kháng của các nước có tranh chấp tại Biển Đông bằng chính sách “bẻ đũa từng chiếc” nhằm phân tán sức mạnh của khối ASEAN.

Và điều quan trọng hơn là tại ASEAN không còn thời gian và cơ hội để Washington lôi kéo đồng minh. Phần còn lại không ai biết được tương lai khi tất cả do Bắc Kinh định đoạt!

Tổng thống Joe Biden mấy ngày gần đây liên tục chỉ đạo Bộ Ngoại giao phát đi thông điệp về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Biển Đông. Điều này cho thấy Nhà trắng tiếp tục xem châu Á - Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Song, di sản ngoại giao mà J. Biden thừa hưởng là các mối quan hệ rạn vỡ nghiêm trọng, chưa thể hàn gắn trong một sớm một chiều. Con đường đến với châu Á - Thái Bình Dương vì vậy đầy gian nan trắc trở!