Ông Trần Công Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái:

Theo quy định của Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, gỗ khai thác từ rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân phải có bản chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập; bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản của chủ lâm sản bán. Nghĩa là người dân muốn bán sản phẩm nông lâm sản có nguồn gốc từ rừng trồng phải đầy đủ hồ sơ: sổ đỏ photo, CMTND photo, đề nghị của gia đình với xã cho phép khai thác, kiểm lâm địa bàn xác nhận...

Quy định này quá rườm rà, không hợp lý. Sản phẩm nông lâm sản có nguồn gốc từ rừng trồng như keo, bồ đề, bạch đàn... của người dân tự trồng trên đất nhà họ, thì chỉ cần đấu mối địa phương quản lý là đủ. Doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng với địa phương, xong cuối năm, hoặc hàng tháng thanh toán đối chiếu. Thực hiện như vậy, địa phương quản lý được rất sát sao, doanh nghiệp thì có thể hỗ trợ ngược trở lại người dân ngoài giá thu mua, để tái phát triển vùng nguyên liệu.

Thực tế, với quy định khắt khe hiện nay, khi doanh nghiệp thu mua dù chỉ 50 kg tre, nứa, vầu... cũng 1 bộ thủ tục, trong khi thực tế, 1 ngày doanh nghiệp chúng tôi thu mua đến 150 tấn nguyên liệu, hồ sơ thủ tục dày lên đến 70 - 80 cm. Chưa kể để hoàn thành một bộ thủ tục này, người dân mất rất nhiều công sức, thời gian. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, và ảnh hưởng đến chi phí có hội của doanh nghiệp.